Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, 2024

94.000 tỷ đồng được ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đấu tư tỉnh Hòa Bình

Tin mới

 – Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hòa Bình đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 nhà đầu tư, thực hiện 09 dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh.

Ngày 11/12, tại thành phố Hòa Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018

Tỉnh Hòa Bình luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân

Tại Hội nghị, UBND tỉnh đã đánh giá kết quả 15 năm thu hút đầu tư, phát triển KT-XH của tỉnh. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành Trung ương, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn giữ được mức khá, giai đoạn 2001 – 2005 đạt bình quân 8%/năm, giai đoạn 2006 – 2010 đạt bình quân 12%/năm, giai đoạn 2011 – 2015 đạt bình quân 8%/năm.

Từ năm 2016 đến nay, kinh tế cả nước và của tỉnh phục hồi và phát triển ổn định, trong đó năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,36%, đứng thứ 02 khu vực Tây Bắc, thứ 04 khu vực Trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 cả nước.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành Công nghiệp – Xây dựng và Dịch vụ. Quy mô GRDP năm 2018 đạt khoảng 40.643 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người xấp xỉ 50 triệu đồng. Thu ngân sách đạt 3.325 tỷ đồng, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.800 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 36.000 tỷ đồng; có 546 dự án đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước.

Trong đó, có 38 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 702 triệu USD; 508 dự án trong nước, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 67.000 tỷ. Số dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh chiếm gần 50%, hàng năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho khoảng 28.100 người, góp phần quan trọng trong bảo đảm an sinh xã hội cho tỉnh Hòa Bình.

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Tỉnh hoan nghênh các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu hợp tác đầu tư trên địa bàn. Tỉnh Hòa Bình luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân, tỉnh cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư có một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định lâu dài, phát triển và thịnh vượng.

Tại hội nghị, UBND tỉnh Hòa Bình đã trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 09 nhà đầu tư, thực hiện 09 dự án và ký Bản ghi nhớ đầu tư với 15 nhà đầu tư, thực hiện 19 dự án trên địa bàn tỉnh với mức đầu tư lên tới 94.000 tỷ đồng.

Trong đó, có những dự án như: Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông (giai đoạn 2) do Công ty cổ phần nước sạch sông Đà làm chủ đầu tư với tổng vốn dự án trên 5.700 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất các loại vi mạch điện tử do Công ty TNHH Meiko Electronics làm chủ đầu tư với tổng vốn 4.600 tỷ đồng; dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sạch Xuân Mai tại tỉnh Hòa Bình do Công ty Cổ phần nước Aqua One làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 3.000 tỷ đồng; dự án Quần thể du lịch sinh thái văn hóa Thiên Cung Đại Việt do Công ty Cổ phần du lịch Đại Việt làm chủ đầu tư với tổng vốn trên 625 tỷ đồng; dự án Khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa do Công ty CPĐT năng lượng xây dựng Thương mại Hoàng Sơn làm chủ đầu tư, với tổng vốn trên 475 tỷ đồng….

Thủ tướng gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế

Nhắc lại lần dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, khi đó, 22 dự án được cấp giấy phép và hiện nay 18 dự án trong số này đã được triển khai, Thủ tướng bày tỏ sự vui mừng và cho rằng, các nhà đầu tư vào Hòa Bình đã nói và làm.

Thủ tướng chia sẻ, ông đi từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Bình mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ do có đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình.

Thủ tướng khẳng định Hòa Bình, người láng giềng chung vách với Hà Nội, đây là điều kiện quan trọng để Hòa Bình phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình.

Theo Thủ tướng, trong 9 “bông hoa” xung quanh Hà Nội thì “bông hoa” Hòa Bình là lớn nhất (tỉnh có diện tích lớn nhất trong các tỉnh vùng Thủ đô). Đây là nơi cung cấp nguồn nước cho Thủ đô, có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Con người Hoa Bình cần cù lao động, chân thành. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, gần thị trường lớn là Hà Nội. Hòa Bình có nhiều tiềm năng quý quá, với núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiện diện ngay trong vùng Thủ đô, ít nơi nào thuận lợi được như thế.

Để Hòa Bình có bước phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế, đây cũng là gợi ý cho các nhà đầu tư.

Một là, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch. Hai là, phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu với 75% diện tích tự nhiên của tỉnh là đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng lên đến trên 51%, có khả năng cung cấp khoảng 400.000m3 gỗ hằng năm. Tiềm năng phát triển ngành lâm nghiệp còn rất lớn. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển các nhà máy chế biến gỗ, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới.

Hòa Bình có rất nhiều sản vật nông nghiệp địa phương, có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, hướng đi cho nông nghiệp ở Hòa Bình theo xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ của khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu của ngành nông nghiệp Hòa Bình trước hết là cung ứng cho vùng Thủ đô và sau đó hướng ra xuất khẩu.

Ba là, phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng. Thủ tướng cho biết, Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép triển khai 8 khu công nghiệp. Hòa Bình cần hướng vào các ngành chế biến chế tạo nhằm giải quyết việc làm và không ảnh hưởng đến môi trường.

Bốn là, phát triển đô thị là một động lực phát triển của Hòa Bình với những khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất.

Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế trên, Thủ tướng gợi ý, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng-Hòa lạc được ví như “hành lang kinh tế Đông-Tây” nối Hà Nội-Hòa Bình. Tuyến Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc.

Vui mừng khi thấy Hòa Bình đã chủ động kêu gọi được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các “sếu lớn” đến với địa phương. Đồng thời, Hòa Bình cần chủ động có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa lũ.

Hòa Bình cần đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng vấn đề liên kết vùng.

Hòa Bình cần quan tâm nâng cao chỉ số cạnh tranh, đưa vấn đề của doanh nghiệp thành ưu tiên trong các chương trình nghị sự, đặt nhiệm vụ giải quyết các yêu cầu của doanh nghiệp nằm ở trang đầu trong quyển sổ điều hành của lãnh đạo. 

Với các nhà đầu tư, Thủ tướng nêu rõ, cần gắn lời nói với việc làm. “Tôi mong rằng các nhà đầu tư nhanh chóng bắt tay vào nghiên cứu để triển khai các cam kết. Không để tình trạng nói một đường làm một nẻo”.

Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư nâng cao trách nhiệm xã hội trong đầu tư, bảo đảm môi trường sống, “để chúng ta cùng thắng”.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thành công ở Hòa Bình, ở Việt Nam./.

An Nhi

Xem nhiều

Singapore chính thức mở cửa, đón du khách Việt Nam

Kể từ 1/4, Singapore mở cửa trở lại, không yêu cầu cách ly đối với du khách từ khắp nơi với chiến dịch SingapoReimagine. Tổng...

Bài viết cùng chủ đề