Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Hai, 2024

[Báo Văn Hóa] – Xung quanh việc một số nghệ sĩ không có tên trong danh sách xét chọn danh hiệu NSND: Đừng vội vàng phán xét

Tin mới

VHO- Bộ VHTTDL vừa đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong danh sách này không có tên một số nghệ sĩ, và ngay sau đó, trên một số diễn đàn đã có những ý kiến cho rằng việc xét chọn danh hiệu tại Hội đồng chuyên môn chưa thật sự công bằng…

 Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NNND, NSƯT, NNƯT năm 2019 tại TP.HCM

 Xung quanh vấn đề này, Văn Hóa đã ghi nhận ý kiến một số nghệ sĩ để có những góc nhìn thấu đáo hơn.

 “Các Hội đồng làm việc đều căn cứ vào quy chế”

Đúng là trong dư luận đang xôn xao về việc một số nghệ sĩ không nằm trong danh sách (ghi nhận) của Hội đồng chuyên ngành để chuẩn bị trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Sự việc nhận được nhiều ý kiến khác nhau và được các diễn đàn chia sẻ rất mạnh, đặc biệt là trên không gian mạng. Trước sự phản ứng này, chúng ta cần phải bình tĩnh, bởi các Hội đồng làm việc đều căn cứ vào quy chế, tiêu chuẩn đã quy định. Tôi không phủ nhận tài năng của những nghệ sĩ mà công chúng đang nhắc đến trong câu chuyện này, nhưng chúng ta cũng phải suy xét một cách thấu đáo xem đó là vì lý do gì, đừng vội đưa ra những phán xét, quy chụp khi chưa hiểu rõ ngọn ngành. Đừng nghĩ các Hội đồng quá khắt khe, mà hãy đặt câu hỏi: Phải chăng họ vẫn còn thiếu một số tiêu chí nào đó theo quy định? Cho nên, nếu không được xét trong đợt này, thì đợt tới các nghệ sĩ đó sẽ hoàn thiện để tiếp tục được giới thiệu. Đừng nên tạo dư luận không hay khiến danh hiệu bị ảnh hưởng, nó sẽ mất đi giá trị thiêng liêng khi người nghệ sĩ được xã hội ghi nhận.

Bản thân tôi cũng nhìn thấy, có một số ít nghệ sĩ trong danh sách được tôn vinh lần này cũng có thể còn mặt này mặt nọ chưa vừa lòng tất cả mọi người; có những người còn quá trẻ hoặc chưa có nhiều cống hiến, nhưng họ lại đáp ứng được những tiêu chí theo quy định. Hiện Nhà nước đang cho thời gian để chúng ta có ý kiến một cách chính thống trên Cổng thông tin của Bộ VHTTDL, vì vậy dư luận không tốt sẽ gây tổn thương cho các nghệ sĩ.

(Đạo diễn, NSƯT LÊ NGUYÊN ĐẠT)

 “Danh hiệu cao quý nhất chính là tình thương yêu của khán giả”

Tuổi đã cao nhưng tôi nhớ không nhầm thì đợt xét duyệt nào dư luận cũng bàn ra tán vào, rằng người này xứng đáng sao không tôn vinh, người kia chưa đủ chuẩn mà lại ghi nhận? Nếu cứ giữ mãi suy nghĩ, định kiến theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” thì nói mãi cũng không hết chuyện. Nhà nước khi xét các tiêu chí cũng phải rất kỹ lưỡng. Theo quan niệm của tôi, danh hiệu lớn nhất đối với người nghệ sĩ là lòng tin yêu của khán giả. Có những điều chưa làm hài lòng hết tất cả mọi người, tôi cho rằng đó là những “hạt sạn” trong cuộc đời làm nghệ thuật, cho nên nghệ sĩ cần nỗ lực phấn đấu để hoàn thiện mình, không nên quá căng thẳng khi bị dư luận xét nét. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều nghệ sĩ xưa kia như bà Năm Phỉ, bà Năm Châu… cũng đâu có danh hiệu, huy chương nào, nhưng tới giờ khán giả và nghệ sĩ vẫn nhắc, vẫn quý trọng và thương yêu. Có danh hiệu như được “gắn thêm hoa”, là động lực để nghệ sĩ cố gắng nhiều hơn, chứ không phải không đạt danh hiệu NSND, NSƯT rồi chán nản, bỏ nghề, buông xuôi…

Năm 2011 tôi đã tạm dừng hoạt động nghệ thuật do lớn tuổi, nhưng vẫn được các nghệ sĩ đề nghị và Nhà nước phong danh hiệu NSND, tôi thực sự hạnh phúc. Lúc đó dù không còn đóng góp cho sân khấu nhưng tôi lại đóng góp qua công tác xã hội. Sự đóng góp ấy không nhằm mục đích được tôn vinh, nhưng khi được phong tặng tôi vô cùng tự hào và luôn lấy đó làm động lực để cống hiến nhiều hơn nữa.

(NSND KIM CƯƠNG)

 “Tiêu chuẩn đã công bố rõ ràng”

Lần này tỉnh Bạc Liêu “rớt” một nghệ sĩ, và cá nhân nghệ sĩ này cũng vui vẻ chấp nhận vì tiêu chuẩn đã công bố rõ ràng. Trên thực tế, nhiều nghệ sĩ hiện nay ít quan tâm đến quy định, tiêu chuẩn hay điều kiện, vì thế đôi khi họ tưởng không công bằng, nhưng hội đồng xét chọn căn cứ vào rất nhiều tiêu chuẩn, vừa hợp lý lại vừa hợp tình. Tôi từng chứng kiến có nghệ sĩ khi được đơn vị thông báo, phổ biến mời làm hồ sơ thì không chịu làm, nhưng đến khi nghe tin người này, người kia được xét duyệt danh hiệu mà mình không có thì lại giận hờn, trách móc.

Cùng với đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên đăng tải thông tin, nhưng họ lại ít chịu để ý. Là nghệ sĩ hay ngành nghề nào cũng vậy, đã là quyền lợi của mình thì phải chủ động tiếp cận thông tin, muốn được phong tặng danh hiệu thì phải rà soát, nghiên cứu các quy định có liên quan để xem mình thiếu cái gì và cần bổ sung cái gì…

(Ông NGÔ QUỐC KHÁNH, Phó Giám đốc Nhà hát Cao Văn Lầu, Bạc Liêu)

Danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT do 5 Hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu lần thứ 10 đang được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Thời gian lấy ý kiến từ ngày 26.7 – 16.8.2022, trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.Theo đó, danh sách hồ sơ thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, Điện ảnh, Múa, Phát thanh – Truyền hình, Sân khấu. Lĩnh vực Âm nhạc gồm 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 67 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT; Điện ảnh có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cùng 16 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT; Múa có 3 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND và 38 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT; Phát thanh – Truyền hình có 2 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND cùng 12 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT; Sân khấu có 88 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.
Liên quan đến việc một số nghệ sĩ không nằm trong danh sách xét tặng NSND đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân, tại cuộc họp báo thường kỳ Quý II năm 2022 diễn ra vào chiều qua 28.7, bà Nghiêm Thị Thu Nguyệt, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết: Hội đồng xét hồ sơ trên cơ sở cá nhân tự nguyện làm đơn xin xét tặng, có đầy đủ thông tin cá nhân, kê khai thành tích. Hồ sơ của những trường hợp không được nằm trong danh sách xét tặng NSND đã được Hội đồng chuyên ngành lĩnh vực Sân khấu thảo luận công khai, chi tiết. Tất cả đều được Hội đồng ở TP.HCM gửi ra. Chúng tôi, cơ quan thường trực Hội đồng và Cục NTBD căn cứ hồ sơ của cá nhân và Hội đồng của TP.HCM để không bỏ sót gì.Những trường hợp không có giải thưởng xét theo 4 tiêu chí của Điều 8 trong Nghị định 40/2021/NĐ-CP, ngoài tài năng nghệ thuật thì các nghệ sĩ có đóng góp, cống hiến đặc biệt nổi trội, có tầm ảnh hưởng trong từng ngành nghề nghệ thuật. Sau đó, Hội đồng bỏ phiếu kín và trước khi kết thúc cuộc họp, các thành viên Hội đồng đã biết kết quả. Kết quả này cũng được công bố ngay trong cuộc họp. 90% thành viên Hội đồng phải có mặt thì cuộc họp mới được tiến hành. Khi thảo luận tại Hội đồng, không quá phụ thuộc vào hồ sơ hành chính của các cá nhân cấp tỉnh, thành phố gửi mà sẽ có cái nhìn toàn diện hơn về từng trường hợp. Các trường hợp không nằm trong danh sách xét tặng NSND đang được Bộ VHTTDL lấy ý kiến đều không đủ 85% phiếu trong Hội đồng.“Trong trường hợp có đơn kiến nghị, chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý kiến nghị, đơn thư đó trong vòng 20 ngày trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định. Chúng tôi sẽ giải thích bằng văn bản, trao đổi một cách thuyết phục đến người có đơn thư mới thôi”, bà Nguyệt cho biết.THUÝ HÀ

 THÙY TRANG/BÁO VĂN HÓA

Xem nhiều

Singapore chính thức mở cửa, đón du khách Việt Nam

Kể từ 1/4, Singapore mở cửa trở lại, không yêu cầu cách ly đối với du khách từ khắp nơi với chiến dịch SingapoReimagine. Tổng...

Bài viết cùng chủ đề