“Biết gọi ai giờ này” được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết, với sự trình bày của ca sĩ Hakoota Dũng Hà là ca khúc chủ đề cho quyển sách thứ 2 của tác giả trẻ – diễn viên Minh Dự “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng”.
Xem thêm:
- “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng”: Nhẹ nhàng nhưng thẳng tính
- “Biết gọi ai giờ này?” Khi lòng mình cô đơn với những tổn thương
Tại buổi ra mắt sách quyền sách thứ 2 “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng” của Minh Dự, ca sĩ Hakoota Dũng Hà đã thể hiện ca khúc “Biết gọi ai giờ này” do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác trong những năm tháng anh “vật lộn” với những tổn thương và nỗi cô đơn của mình. “Biết gọi ai giờ này” như môt chiếc cầu nối cho những tâm hồn đồng điệu, đang vật lộn với những tổn thương sâu bên trong mình.
Ca sĩ Hakoota Dũng Hà trình bày ca khúc “Biết gọi ai giờ này” tại sự kiện ra mắt sách của Minh Dự. Ảnh: Lê Ngọc.
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sách, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết: “Để viết về những tổn thương thì người viết đã phải trải qua những tổn thương. Anh cũng là người từng sống với tổn thương. Chính vì thế, sau khi đọc bản thảo, anh đã đồng ý gửi cho Dự bài hát mà anh rất tâm đắc. Bài hát này đã được anh giữ trong suốt 2 năm”.
Ca khúc “Biết gọi ai giờ này” được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung viết ra trong giai đoạn bản thân đối mặt với những khó khăn và cô đơn. Ảnh: Lê Ngọc.
Minh Dự cũng cho biết bài hát cũng sẽ trở thành ca khúc chủ đề của sách và cả dự án talkshow mà anh sẽ thực hiện sau này. Đó sẽ là nơi để mọi người có thể chia sẻ, trò chuyện với nhau sau khoảng thời gian khó khăn của dịch bệnh.
“Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng” là quyển sách thứ 2 của Minh Dự. Đây được xem là nơi anh trải lòng về những tổn thương của chính mình và của những người xung quanh.
Không dừng lại ở những chủ đề về tình yêu hay cuộc sống, “Mình ngồi xuống kể tổn thương trong lòng” mang hơi thở thời đại khi Minh Dự đã đi sâu vào “ngóc ngách cảm xúc” của con người trong hoàn cảnh dịch bệnh để “nén” chúng vào từng con chữ, vần thơ. Đó là những lời nhắc nhau hãy “chịu khó ở nhà”, là những tản văn hướng về gia đình, đề cao giá trị hoài niệm, châm biếm không khí Tết thời hiện đại, hay những dòng chữ tươi sáng “mở khóa” tình thân, tình người: “Mấy mùa giãn cách đi qua/Người ta mới hiểu: nhà là bình yên!”.