Giữa cuộc đua về sản phẩm với công nghệ tân tiến, Apple là một cái tên sáng giá khi đều đặn cho ra mắt sản phẩm mới mỗi năm. Nếu ví Apple và sản phẩm của thương hiệu này là “một chiếc tên lửa” thì một trong những động cơ khiến nó có thể phóng nhanh, phóng xa và dẫn đầu cuộc đua này chính là trải nghiệm “đập hộp”.
Trong buổi thuyết trình năm 2007 về chiếc iPhone đầu tiên ra mắt trên thị trường, Steve Job cho biết Apple đã được cấp 200 bằng sáng chế cho thiết bị này. Một trong số đó chính là phần hộp đựng.
Công bố gây tiếng vang trong giới công nghệ và người dùng ở thời điểm đó vì đa phần mọi người đều cho rằng hộp đựng chỉ là một chi tiết nhỏ nhặt và không nhiều người chú trọng đến nó.

Đến hôm nay, khi gần như những người dùng hoặc không dùng iPhone đều mong muốn trải nghiệm “đập hộp” thì vẫn không ai có thể lý giải được sức hút của chiếc hộp ấy. Sẽ không khó để tìm kiếm những video unboxing iPhone hay những sản phẩm khác của Apple trên mạng xã hội.
Vậy cụ thể Apple đã thu hút khách hàng thế nào chỉ qua trải nghiệm “đập hộp”?
Cầm hộp như cầm sản phẩm thật
Ngay từ những ngày đầu, Apple đã in hình sản phẩm với kích thước thật trên nắp hộp. Khác với những thương hiệu trên thị trường, hộp sản phẩm của Apple không có bất kỳ chữ hay dòng giới thiệu gì về sản phẩm. Đây cũng chính là “cái nhìn đầu tiên” của người dùng với sản phẩm thật.
Cũng vì thế, Apple đã tinh tế sử dụng nắp hộp làm nơi thể hiện điểm nổi bật của sản phẩm qua các thời kỳ. Ví dụ như đối với chiếc iPhone X, nắp hộp được in hình chính diện. Đến iPhone 11, nắp hộp được in hình mặt sau của sản phẩm để làm nổi bật cụm camera mới.
Trải nghiệm “đập hộp” đồ công nghệ sang chảnh như hộp trang sức
Không giống với những sản phẩm công nghệ lúc bấy giờ, các sản phẩm của Apple như iPhone, iPad, Macbook,… đều được đặt trong hộp đựng có thiết kế nắp trên, hai phần nắp và hộp vừa khít. Thiết kế này giống với các hộp trang sức, mang đến cảm giác sang trọng.

Bên cạnh đó, việc kéo nắp hộp một cách từ từ mang đến cảm giác chờ đợi, háo hức.
Điều này phản ánh triết lý của Jony Ive, một trong những người đứng đầu bộ phận thiết kế của Apple sau năm 1997: “Packaging can be theatre” (nghĩa là: Đóng gói sản phẩm có thể giống như việc vận hành một rạp chiếu phim). Nó mang đến nhiều điều bất ngờ cho người dùng và khiến sản phẩm trở nên khác biệt, được chờ đợi.
Trải nghiệm “đập hộp” với hiệu ứng âm thanh
Dần dần, thiết kế hộp của Apple trở nên phổ biến hơn khi có nhiều thương hiệu “nhập cuộc” và áp dụng thiết kế này. Tuy nhiên, nếu là một người dùng quen thuộc của Apple hoặc thử một lần trải nghiệm cảm giác “đập hộp” Apple, người dùng sẽ ngay lập tức nhận thấy sự khác biệt. Đó chính là độ khít giữa 2 nắp hộp.
Đối với các sản phẩm khác, người dùng có thể dễ dàng mở hộp bởi giữa 2 nắp sẽ có kẽ hở nhất định. Còn đối với những chiếc hộp của Apple, người dùng không thể mở hộp “trong một nốt nhạc” bởi giữa 2 nắp luôn có độ ma sát vừa phải, buộc người dùng phải mở một cách từ từ.

Chưa dừng lại ở đó. “Đập hộp” Apple thực sự là một hành trình. Ở giai đoạn cuối, khi chiếc nắp được mở ra gần hết, nó sẽ bị kẹt lại. Người dùng buộc phải dùng thêm lực để kéo hẳn ra. Lúc này, hành trình “đập hộp” sẽ có thêm một tí hiệu ứng âm thanh đặc trưng ở cuối, như cách khi người dùng mở nắp lon Coca-Cola hay khởi động một ứng dụng.
“Tạo khuôn” phụ kiện tạo cảm giác chỉn chu
Đây cũng là một trong những “tiên phong” của “ông lớn” trong thiết kế hộp đựng sản phẩm. Việc tạo khuôn phụ kiện giúp cố định các thành phần bên trong của hộp, không va chạm hay hư hỏng trong quá trình vận chuyển. Ngoài ra, chúng cũng nâng cao tính thẩm mỹ. Các phụ kiện được đặt vào hộp một cách chăm chút, mang đến cảm giác chỉn chu và đáng tiền.
Điều này cũng thể hiện một trong những triết lý kinh doanh mà Steve Jobs đã học được từ cha mình, được chia sẻ trong quyển hồi ký của ông. Đó là: Dù mặt sau của chiếc hàng rào không ai nhìn thấy đi nữa thì chúng cũng cần được sơn cẩn thận. Nó thể hiện sự toàn tâm toàn ý trong việc tạo ra một thứ gì đó.
Thể hiện phong cách sống thông qua sticker logo đi kèm
iFan có lẽ không còn xa lạ với sticker logo Apple được đính kèm trong mỗi hộp sản phẩm. Đúng vậy, Apple nổi tiếng không chỉ với việc bán sản phẩm mà còn bán phong cách sống. Người ta thường hỏi bạn dùng iPhone hay những chiếc điện thoại còn lại. Bạn sẽ có cả hệ sinh thái công nghệ nếu dùng Apple. Và nhìn vào sticker bạn đang sử dụng là logo Apple hay những loại khác.

Xuất hiện với những sản phẩm có đính kèm chiếc logo như một lời khẳng định bạn là một iFan với phong cách sống “thời thượng”, tân tiến. Tuy nhiên, không ít người dùng cũng đặt câu hỏi về chiếc sticker được tặng kèm này của Apple.
Kết luận
Ở góc độ người dùng, chiếc hộp đựng sản phẩm chỉn chu, thẩm mỹ sẽ là một điểm cộng. Còn ở góc độ thương hiệu, chiếc hộp được thiết kế tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết sẽ là công cụ để thu hút và tạo thiện cảm với người tiêu dùng. Từ đó có thể xây dựng hình ảnh thương hiệu tốt hơn.
Hơn thế nữa, việc để chiếc hộp thành một sản phẩm, nâng cao hành trình khách hàng thông qua trải nghiệm “đập hộp” chính là một trong những những lý do mang đến hiệu quả kinh doanh tốt của Apple.