Nói tiếp về chuyện “Ghét bếp, không nghiện nhà”
Ta có lẽ đã từng ngầm chê thế hệ trước sống quá nặng nề hình thức, chỉ mãi khoe xe nhà lầu, xe hơi, sau này, khi thế hệ trẻ chúng ta đã xác lập những giá trị mới, trong đó có sự tận hưởng cuộc sống, sức khoẻ tinh thần… Thì có phải việc quá bận rộn thể hiện nó, lại là một cuộc biểu diễn, một thứ “hình thức” khác?
Lâu lâu cũng mệt nhỉ, khi sống giữa thế giới cái gì cũng thanh tao, xinh đẹp… Mà nhiều thứ xinh đẹp cần có tiền. (Nên là càng phải ráng mà điên cuồng kiếm thật nhiều tiền lên chứ còn gì?!)
Thực ra thì:
Nếu ta không hợp với yoga và những động tác khó xuất thần, ta có thể đánh cầu lông, hay tập boxing, không sao. Tới khi người mệt quá, bã quá, mập quá, tự khắc sẽ kiếm cái gì đó mà để hao calo.
Các bà mẹ bỉm sữa loay hoay với đứa con, đứa chồng kế bên, lo cho cả nhà bữa ăn đúng giờ đủ chất mấy bữa một ngày, không có thời gian chăm chút chén dĩa, chỉnh chục lớp filter để up hình mỗi bữa, không sao. Họ đã là những người hùng của mỗi ngày.
Mình là thanh niên ở trọ căn phòng hơi không sang. Gia đình mình chưa có 2-3 tỷ mua căn chung cư lót sàn gỗ nội thất scandinavian, không sao. Nhà mình không đủ vài trăm triệu sửa lại nhà vì phải để dành tiền lo cho con cái học hành sau này, không sao. Ta đang đầu tư cho những gì ta trân quý nhất.
Mình nấu mấy món Việt thông thường thôi, không decor lên màu lung linh, mà mình cũng không phải lúc nào cũng đảm đang được, khi mải làm việc mình cũng quên nấu cho mình… Chắc cũng không sao. Mình trọn vẹn cảm nhận niềm vui của việc ăn uống thì cũng ổn nhỉ? Đồ ăn mình nấu có vài món thật lỗi thật ngô nghê, xấu xí cục mịch, không sao, nó có thể là trải nghiệm tinh nghịch vui vẻ cho chính mình. Chỉ cần thật lòng muốn nấu nướng cho ai đó mình thương, mình sẽ dần nấu tốt lên.
Trong một lần làm đề tài phóng sự về vấn đề tâm lý thanh thiếu niên, mình gặp nhà văn Phan Việt, là tiến sĩ Công tác xã hội Đại học Chicago, lúc đó đang phụ trách một dự án về bạo lực học đường, mình hỏi, theo chị thì khó khăn tâm lý lớn nhất với thanh thiếu niên hiện nay nhìn chung là gì (tạm không xét tới những yếu tố hoàn cảnh riêng)?
Chị ấy trả lời, là “Khủng hoảng bản sắc”.
Khủng hoảng bản sắc – Bởi các em có quá nhiều so sánh, quá nhiều hình mẫu, trong khi chưa kịp xác lập hệ giá trị sống cho mình đủ mạnh. Thứ khủng hoảng này, có lẽ không chỉ xảy ra với trẻ em, thanh thiếu niên, mà với cả chúng ta. Dĩ nhiên, khủng hoảng là một phần của các giai đoạn phát triển, chúng ta sẽ khủng hoảng trong một vài giai đoạn nào đó của cuộc đời từ trẻ đến già. Nhưng nếu khủng hoảng đó trở thành một thứ được nuôi dưỡng mỗi buổi sáng mở Face ra, thì chúng ta mệt nha!
Đã có không ít nghiên cứu về sự kém hạnh phúc của con người trong việc sử dụng mạng xã hội, khi chúng khuếch đại sự “so sánh xã hội” trong chúng ta (mình nhấn mạnh lại, là chúng khuếch đại cái sẵn có, chứ mình không nói chúng tạo ra…). Đây là một trích đoạn trên báo, mình giữ nguyên:
“Theo Leon Festinger, lý thuyết “so sánh xã hội” là “Mỗi cá nhân bẩm sinh đều có một khát khao muốn biết họ so với những người xung quanh như thế nào ở các phương diện mà bản thân họ cảm thấy quan trọng để có thể đánh giá liệu rằng họ có đang sống tốt”. Và khao khát này dường như đang thể hiện rất rõ trên Facebook từng ngày.
Khi chúng ta liên tục xem những bài đăng của người khác về cuộc sống của họ như những bữa tiệc họ tham gia, những người họ gặp, những việc họ làm… Và điều đó khiến chúng ta cảm thấy rằng mọi người đều đang có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc trong khi bản thân thì lại quá thất bại và tẻ nhạt.
Không chỉ thế, hiện tượng “so sánh xã hội” mà Facebook đem lại còn khiến chúng ta cảm thấy vô cùng tồi tệ về cuộc sống ta đang sống và không ngừng nảy sinh cảm giác ghen tị với mọi người thông qua những chia sẻ của họ. Và lâu dần nó khiến chúng ta trở nên buồn bực, thất vọng, tự ti và chán nản.
Rõ ràng việc dành nhiều thời gian cho Facebook có thể khiến chúng ta có những ảnh hưởng tiêu cực vì “so sánh xã hội” và làm mất đi hứng thú làm việc hay học tập…” (Hết trích)
(Xem thêm một bài báo về chủ đề này: https://doanhnhansaigon.vn/song-khoe-song-vui/the-gioi-ao-va-long-tu-trong-ton-thuong-that-1073889.html
Những người join Group “Ghét bếp, không nghiện nhà” này, bên cạnh những kẻ hài hước muốn thêm gia vị cho mùa dịch, mình nghĩ, không phải toàn là những cô gái thích tỏ ra nổi loạn break the rules hay những thanh niên độc thân lười biếng. Có rất nhiều người trong đó là các bà mẹ rất đảm đang, muốn được đồng cảm với những mệt mỏi bừa bộn của cuộc sống ngày thường, có những người trẻ thực sự “yêu bếp nghiện nhà” đấy thôi, nhưng đôi khi cũng chán tỏ ra hoàn hảo..
Mình nhớ cô bạn Minh Nguyệt của mình khi đứng lớp hay nói với sinh viên câu “Đừng lấy hậu trường đời mình đi so sánh với teaser của người khác bày biện trên Facebook”. Suy cho cùng chỉ có ta là hiểu nhất hậu trường đời ta như thế nào, ta đang có những lộn xộn, bất toàn, thiếu thốn nào, đôi khi thừa nhận với nhau một chút điều đó, cũng hay phải không?
Nói như bạn admin group “Ghét bếp…” biết đâu nhờ sự thật thà đôi khi đó, ta lại tìm được chân ái đời mình. Vì nếu họ chỉ yêu ta vì cái teaser hoàn hảo, thì họ sẽ sống với ta cuộc đời còn lại sau này thế nào – khi vốn nó là một hậu trường cần rất nhiều bao dung và chấp nhận?
Cuối cùng thì: Mình không “Ghét bếp”, và mình cũng nghiện nhà vì không nghiện nhà thì đi đâu chơi mùa này? (ủa có lẽ đa phần mọi người sẽ thích bếp chứ: hoặc là thích nấu, hoặc thích đứng gần đó để có đứa nấu mình ăn, hạnh phúc thì ai mà từ chối)…
Mình cũng khoe khoang hoài, trong những lần không nhịn được. Mình xin lỗi các friend. Nhưng chuyện này sẽ không dừng lại được, chúng ta lâu lâu cũng cố chịu đựng nhau chút được không? Còn Thông điệp bài này không phải là lời kêu gọi sang cả là hãy từ bỏ Facebook đi gì đâu. Mình đã thử khoá Face nhiều lần rồi. Mình luôn thất bại, luôn sign in trở lại. Không có gì khí phách lắm. Sau nhiều lần thì mình đành thừa nhận với bản thân mình là một sinh vật xã hội, mình cần sự kết nối ở đây, cho tình bạn, cho hiểu biết về thế giới, cho cả những cơ hội, công việc của bản thân. Mình sẽ không vô ơn phủ nhận giá trị của mạng xã hội cùng anh Mark. Nhưng còn làm sao để xài mạng xã hội dài lâu mà vẫn vẫn hạnh phúc, mình không biết. Có lẽ ai đó sẽ nghiên cứu vấn đề này chứ nhỉ. Trong thời gian đó thì ta cần nhiều hơn những group sống thật kiểu “Ghét bếp…” thế kia. Ê nhưng mà bớt giết hại đồ ăn và đừng đùa mặn quá quá trước những tâm hồn đơn sơ hay ngại ngùng như mình được hông? Eo! :)) )
Cảm ơn bạn admin và cộng đồng hùng hậu nọ :))
Nhân Huỳnh