Chủ Nhật, 10 Tháng Mười Một, 2024

Hành trình 63 năm của những người làm Báo Văn hoá

Tin mới

VHO-Ngày 28.3.1957, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám đã ký quyết định số 20/VH-QĐ thành lập Tạp San Văn hóa. 63 năm là độ dài thời gian đủ cho một đời người chiêm nghiệm để nhận diện những giá trị sống nhưng với đời sống của một tờ báo, 63 năm vẫn đang là hành trình xây dựng và phát triển.

Ra đời với tên gọi, Tạp san Văn hóa, từ năm 1957 đến tháng 6.1962, Tạp san Văn hóa thực hiện tốt hai chức năng quan trọng là nghiên cứu lý luận và hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa (bao gồm cả nâng cao kiến thức về văn hóa nghệ thuật và bồi dưỡng nghiệp vụ).

Xác định vị trí là tờ ngôn luận chính thức của ngành Văn hóa lúc bấy giờ, ngay từ những số đầu tiên Ban biên tập đã chủ trương mở các mục như “Trao đổi ý kiến”, “Mẩu chuyện văn hóa”, “Trả lời bạn đọc”, sau đó là các mục “Trao đổi kinh nghiệm”, “Ý kiến địa phương”…vừa để thực hiện tốt hai chức năng nói trên, vừa là cầu nối giữa Bộ Văn hóa  với các địa phương và là người bạn tin cậy của những người làm văn hóa cũng như độc giả trong cả nước.

Vạn sự khởi đầu nan, đội ngũ làm nghề mỏng, kinh nghiệm non nớt;  cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện làm báo còn nhiều hạn chế nhưng với lòng nhiệt tình, tâm huyết và tinh thần của những người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, Ban biên tập Tạp San Văn hóa đã truyền cảm hứng, động viên đội ngũ làm báo của Tạp San vượt khó, từng bước nâng cao chất lượng; xây dựng được đội ngũ cộng tác viên và thông tin viên, bao gồm những cán bộ quản lý ở Trung ương và địa phương, những nhà nghiên cứu lý luận và chuyên môn, những văn nghệ sỹ có uy tín. Tập san Văn hóa dần khẳng định được vị trí xứng đáng là  ấn phẩm tin cậy của những người làm văn hóa.

Ngày 1.6.1962, Bộ Văn hóa đã quyết định chuyển tờ Tạp san Văn hóa ra hàng tháng thành Báo Văn hóa xuất bản tháng 2 kỳ, khổ 27cm x 36cm. Về cơ cấu tổ chức, Báo Văn hóa có Tổng Biên tập, một phó Tổng biên tập và các ủy viên giúp việc. Tòa soạn gồm có thư ký và các tổ chuyên môn. Bộ Văn hóa cũng quyết định thống nhất tổ chức việc quản lý xuất bản và quản lý kinh doanh của Nhà xuất bản Văn hóa nghệ thuật và Báo Văn hóa thành một đơn vị trực thuộc Bộ.

Sau một năm hoạt động với tên gọi  Báo Văn hóa, ngày  8.6.1963, Bộ Văn hóa quyết định sáp nhập Báo Văn hóa và  Tạp chí Điện ảnh  thành một tờ báo và vẫn giữ nguyên tên Báo Văn hóa.

Báo ra tháng 3 kỳ, gồm 12 trang, khổ 27 x 36 cm. Đội ngũ biên tập, phóng viên của Báo được bổ sung về số lượng và nâng cao tay nghề. Chi hội Báo Văn hóa cũng chính thức tham gia Hội Nhà báo Việt Nam, các phóng viên đều có thẻ nhà báo. Nội dung của Báo  phong phú, bao quát đời sống xã hội trên nhiều lĩnh vực. Với các chuyên mục như “Sổ tay cán bộ văn hóa”, “Thời sự văn hóa trong nước, ngoài nước”, “Nghệ thuật và cuộc sống” lối viết nhẹ nhàng, hấp dẫn bạn đọc, Báo Văn hóa mang tính xã hội cao, được độc giả trong và ngoài ngành yêu thích.

Sang đến năm 1965, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc đã làm cho tính chất cuộc chiến tranh trở nên khốc liệt hơn. Báo Văn hóa chuyển nội dung tin, bài tập trung vào hai nhiệm vụ chiến lược là tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chi viện cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước.

 Báo đưa ra những mô hình, phương thức hoạt động văn hóa trong thời chiến, lấy việc giáo dục và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất và chiến đấu làm trọng tâm, cổ vũ các hoạt động văn hóa chuyên nghiệp chuyển mạnh về cơ sở, lấy phương châm phân tán, ngắn gọn làm chính, chỉ hoạt động tập trung khi thật sự cần thiết; vừa coi trọng hoạt động trước mắt, vừa chú ý xây dựng ngành lâu dài.

Báo chuyển sang khổ nhỏ 13 x 19cm để dễ dàng mang theo bên người. Nội dung phản ánh được xác định  “lấy phục vụ cơ sở là chính”, cổ vũ các đơn vị, các cá nhân vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Báo vừa bám sát thực tiễn sản xuất chiến đấu ở các địa phương miền Bắc, vừa xông xáo đi vào vùng khói lửa để bám sát thực tiễn văn hóa và chiến đấu tại các các nơi chiến tranh ác liệt nhất như Vĩnh Linh. Chính vì vậy, Báo luôn mang hơi thở của cuộc sống.

Khi đế quốc Mỹ tạm ngừng ném bom miền Bắc, Báo Văn hóa đã mở nhiều chuyên mục mới, duy trì đều đặn các chuyên mục như xã luận, chuyên luận, văn học, nghệ thuật, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, văn hóa truyền thống, nếp sống mới,… với các thể tài phong phú, cách viết hấp dẫn, Báo tiếp tục tạo được dấu ấn trọng lòng bạn đọc.

Tháng 2.1970, Bộ Văn hóa quyết định đổi Báo Văn hóa thành Tạp chí Văn hóa, xuất bản 2 tháng 1 kỳ, mỗi kỳ 100 trang, khổ 27 x 29cm, nhằm bồi dưỡng, nâng cao lý luận cho cán bộ trung, cao cấp của ngành và các văn nghệ sỹ.

Tháng 4.1971, Tạp chí Văn hóa  được đổi thành Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật, xuất bản tháng 1 kỳ.

Từ năm 1971 đến 1974, Tạp chí Văn hóa chú trọng cải tiến nội dung và hình thức, bám sát hơi thở cuộc sống lao động và chiến đấu của toàn dân tộc, các bài viết trong Tạp chí trở thành vũ khí sắc bén vạch trần tội ác của đế quốc Mỹ cùng những âm mưu phản động, nô dịch văn hóa, hủy diệt văn hóa của Mỹ.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Tạp chí Văn hóa – nghệ thuật nhận nhiệm vụ mới là phổ cập, tuyên truyền và hướng dẫn các hoạt động văn hóa nghệ thuật trong quần chúng. Nội dung các số báo  đề cập đến các hoạt động sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, nhiếp ảnh, mỹ thuật, xây dựng nếp sống mới, con người mới, bảo tồn bảo tàng, thư viện, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng, văn hóa các dân tộc thiểu số. Chất lượng được nâng cao, Tạp chí  có sức lan tỏa trong quần chúng, được đánh giá là đã góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, giới thiệu những thành tựu mới của nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Nhiều bài viết hấp dẫn, ngắn gọn, súc tích, có tính tư tưởng cao, tính thực tiễn và đúng với đường lối văn hóa – văn nghệ của Đảng.

Ngày 10.1.1985, Bộ Văn hóa quyết định chuyển Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật thành  Báo Văn hóa – Nghệ thuật, khổ 30 x 42cm, ra mỗi tháng 2 kỳ. Bên cạnh những trang, mục truyền thống, Báo có thêm nhiều chuyên mục mới mang tính thời sự, thông tin nhanh về những vấn đề xã hội, pháp luật; đấu tranh chống các loại băng hình, phim ảnh, ca nhạc không lành mạnh; chống tiêu cực, hành vi thiếu đạo đức, trái pháp luật và tệ nạn xã hội…

Đầu năm 1990, do có sự sát nhập Bộ Văn hóa – Thông tin, Tổng cục thể thao và Tổng cục Du lịch, Báo đã mở rộng nội dung đề tài sang các lĩnh vực này. Để đáp ứng với nhiệm vụ mới, thông tin nhanh chóng, kịp thời, đầu năm 1991: xuất bản mỗi tuần 1 kỳ. Năm 1992, Báo Văn hóa – Nghệ thuật đổi tên thành Báo Văn hóa, khổ 28 x 42cm, 12 trang; tiếp tục đổi mới cả về nội dung và  hình thức, quy trình làm báo nhanh chóng hòa nhập với sự đổi mới báo chí trong nước.

 Báo Văn hóa đã thể hiện được vai trò vừa là tiếng nói của ngành, vừa là diễn đàn của xã hội, thể hiện đúng chức năng, đảm bảo đúng định hướng, vững vàng về chính trị, tư tưởng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ của ngành, đặc biệt trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến lĩnh vực Văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch.

Năm 1993, Báo Văn hóa  xuất bản thêm tờ Đặc san Văn hóa, phát hành vào cuối tháng, khổ 20x28cm, 96 trang. Tờ Đặc san Văn hóa với nội dung phong phú và hình thức đẹp, đã hấp dẫn bạn đọc ngay từ những số xuất bản đầu tiên. Đây là ấn phẩm đặc sắc, được phát hành trên cả nước với số lượng 15.000 bản/ kỳ, phục vụ đối tượng chủ yếu là thanh niên, sinh viên, các nhà nghiên cứu văn hóa.

Theo nhu cầu của đông đảo bạn đọc, đầu năm 1996, Báo Văn Hóa xuất bản mỗi tuần 2 kỳ, khổ 38 x 54cm, 8 trang. Báo trở thành tờ báo quốc gia trên lĩnh vực văn hóa, vừa phục vụ vấn đề quản lý nhà nước về văn hóa, vấn đề hoạt động của ngành, vừa phản ánh nhiều vấn đề kinh tế, xã hội, được bạn đọc quan tâm.

Để nâng cao sức ảnh hưởng với xã hội, Ban Biên tập Báo  chủ trương xã hội hóa bằng cách mở rộng đề tài tuyên truyền trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội phục vụ nhiều đối tượng độcgiả, đồng thời tham gia nhiều hoạt động xã hội như tổ chức các chương trình biểu diễn văn nghệ để gây quỹ tài trợ cho những tài năng văn hóa.

Năm 1999, Báo Văn hóa được Chính phủ chọn là 1 trong 5 tờ báo phục vụ đồng bào vùng nông thôn, dân tộc và miền núi.  Báo đã xuất bản tờ Chuyên đề Văn hóa dân tộc thiểu số và miền núi , phát hành tới 1850 xã,  mang ánh sáng văn hóa của Đảng và chính sách của Nhà nước đến tận vùng sâu, vùng xa, vừa nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, góp phần xóa những điểm trắng về văn hóa, phục vụ đời sống  tinh thần và sản xuất của đồng bào nông thôn, miền núi. Báo đã hướng dẫn đồng bào cách làm ăn, cách xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe, xây dựng gia đình văn hóa, tuyên truyền việc tuân thủ pháp luật.

Để đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, ngày 1.1.2007 , Báo Văn hóa chính thức có Trang tin Văn hoá điện tử. Đến ngày 19.8.2016, Trang tin điện tử của Báo Văn hóa đã được nâng cấp thành Báo Văn hóa điện tử theo quyết định số 422/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông. Nội dung phong phú; hình thức hấp dẫn, hiện đại, thông tin cập nhật. Văn Hoá điện tử đến nay đã thu hút gần 4,2 triệu lượt bạn đọc trong và ngoài nước. Trong thời gian tới, Văn Hoá điện tử sẽ được đầu tư phát triển mạnh mẽ hơn nữa,trở thành sản phẩm chủ lực của Toàn soạn, đáp ứng nhu cầu thông tin thời sự của độc giả trong và ngoài nước.

Năm 2013, Báo Văn hóa có hợp đồng liên kết xuất bản ấn phẩm Forbes Vietnam với Công ty TNHH Truyền thông Tương Tác TP Hồ Chí Minh. Số kỳ xuất bản 1 kỳ/tháng với số lượng phát 25.000 cuốn/kỳ, là cầu nối giao lưu về kinh nghiệm trong công việc kinh doanh.

Đây là ấn phẩm duy nhất bình chọn các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu theo tiêu chuẩn của Forbes thế giới; thường xuyên tổ chức các diễn đàn doanh nghiệp; tập hợp các bài viết chuyên sâu của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, đưa ra những nhận định, đánh giá, định hướng cho các doanh nghiệp; cổ vũ các doanh nhân khởi nghiệp, đầu tư làm ăn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy mới ra đời được 07 năm nhưng ấn phẩm Forbes Việt Nam đã được cộng động doanh nghiệp và doanh nhân trong nước đánh giá rất cao.

Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, đến nay Báo Văn hoá  có một đội ngũ cán bộ, phóng viên lớn mạnh, giỏi về nghiệp vụ; vững vàng về chính trị, hầu hết cán bộ, phóng viên, nhân viên của Báo có trình độ đại học. Bên cạnh đó là đội ngũ cộng tác viên đông đảo,có trình độ là các nhà văn hóa, các cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao, du lịch, các cộng tác viên chuyên và không chuyên ở khắp các vùng miền. Nhờ vậy, Báo vừa có tính hấp dẫn, vừa đáp ứng được yêu cầu thông tin nhanh nhạy.

Từ một tờ Tạp san ban đầu, chỉ lưu hành nội bộ, đến nay Báo Văn hóa đã trở thành một tờ báo có tầm ảnh hưởng toàn quốc,  với các ấn phẩm: Báo Văn Hóa xuất bản 03 kỳ/tuần, 16 trang phát hành vào thứ 2, thứ 4, thứ 6; Chuyên đề “Văn hóa Dân tộc thiểu số và miền núi” xuất bản 01 kỳ/tuần; số lượng 32 trang phát hành cho các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; Phụ trương Forbes Vietnam xuất bản 1 cuốn/ kỳ, 144 trang; Báo Văn hóa điện tử và Tạp chí Forbes Vietnam điện tử

Song song với hoạt động chuyên môn, Báo Văn hóa đang đẩy mạnh các hoạt động như Tổ chức các chương trình nghệ thuật; các cuộc thi; các hội thảo liên quan các chủ đề thuộc các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Thông qua các hoạt động này thu hút và  gắn kết chặt chẽ hơn với độc giả trong bối cảnh làm báo cạnh tranh hiện nay.

Không chỉ hoạt động nghiệp vụ, Báo Văn hóa còn là tờ báo tham gia tích cực các hoạt động xã hội. Chỉ tính riêng trong 5 năm vừa qua, Báo Văn Hóa đã có 52 chuyến công tác cứu hộ tại các tỉnh trong cả nước do thiệt hại về thiên tai, lũ lụt: Cao Bằng, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang , Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước …  cùng với nhiều nhu yếu phẩm như : quần áo, sách vở, nước ngọt, nhu yếu phẩm… Bên cạnh đó Báo còn trao tiền, hiện vật, ủng hộ kinh phí cho các tổ chức  thiện nguyện khám bệnh miễn phí  cho các bệnh nhân tại Tây Ninh, Bình Phước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Báo đã đóng góp cho các hoạt động thiện nguyện trên cả nước với tổng số tiền lên đến hơn 5 tỉ đồng.

Với những thành tích đã đạt được, Báo Văn hóa đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất,  Huân chương Lao động hạng Nhì và nhiều Cờ thi đua của Chính Phủ; Bằng khen của các Bộ, Ban ngành Trung ương .

Điểm lại những dấu mốc thời gian của Báo Văn hóa trên chặng đường 63 năm xây dựng và trưởng thành, để thấy niềm hạnh phúc của những thế hệ làm Báo Văn hóa luôn được phục vụ bạn đọc, tự hào về những cống hiến của Báo Văn hóa trong công cuộc “Phát huy và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Trong hành trình nỗ lực dựng xây và phát triển, Báo Văn hóa luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện về nhiều phương diện của lãnh đạo Bộ qua các thời kỳ.

Nhân dịp  63 năm ngày thành lập Báo Văn hóa (28.3.1957 – 28.3.2020), Ban Biên tập xin gửi lời chúc mừng tới toàn thể các thế hệ lãnh đạo, viên chức, phóng viên và người lao động của Báo Văn hóa – những người đã và đang cống hiến vì sự nghiệp phát triển của Báo Văn hóa, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Qua đây, Ban Biên tập Báo Văn hóa xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan thuộc Bộ, đơn vị đối tác và các tổ chức, cá nhân đã luôn quan tâm, ủng hộ, đồng hành trong suốt chặng đường lịch sử xây dựng và phát triển.

BBT

Tin bài gốcBáo Văn Hóa

Xem nhiều

Singapore chính thức mở cửa, đón du khách Việt Nam

Kể từ 1/4, Singapore mở cửa trở lại, không yêu cầu cách ly đối với du khách từ khắp nơi với chiến dịch SingapoReimagine. Tổng...

Bài viết cùng chủ đề