Với ít hơn 300 ca nhiễm và không có ca tử vong ở một đất nước 96 triệu dân, rõ ràng vẫn còn nhiều điều chưa được nói đến về thành công không thể chối cãi của Việt Nam.
Các chuyên gia của Trung tâm chính sách phát triển nằm trong Trường Chính sách công Crawford thuộc Đại học ANU Châu Á và Thái Bình Dương tại Đại học Quốc gia Úc đã có bài phân tích về các lý do trong việc kiểm soát dịch thành công của Việt Nam .
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được Việt Nam ghi nhận là vào ngày 23/1. Kể từ đó đến nay, số ca chỉ tăng dần, nhẹ và đạt mức đỉnh là 288. Kể từ ngày 12/5, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thêm 47 ca nhiễm, nhưng đáng chú ý, đã không có trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng kể từ giữa tháng 4.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã thành công vượt qua 2 làn sóng lây nhiễm Covid-19. Toàn bộ 16 bệnh nhân Covid-19 đầu tiên đã hoàn toàn bình phục. Và sau đó là khoảng thời gian 22 ngày không có ca nhiễm.
Kể từ 6/3, làn sóng thứ 2 bùng phát dẫn đến việc mất dấu lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay sau đó, chính phủ đã ban bố quyết định giãn cách xã hội và yêu cầu đóng cửa một phần các cửa hàng kinh doanh. Chỉ trong vòng 1 tháng, Việt Nam đã khống chế thành công đợt lây nhiễm thứ 2.
Từ ngày 21/4, các cửa hàng nhỏ lẻ được mở cửa trở lại, quy định giãn cách xã hội cũng được nới lỏng, và cùng với đó là các văn phòng, cửa hàng cà phê, ăn uống hoạt động trở lại. Nhìn chung, cuộc sống đã trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Vậy làm thế nào Việt Nam đã kiểm soát sự lây lan của virus một cách nhanh chóng và hiệu quả như vậy?
Ở thời điểm khi Trung Quốc ghi nhận 27 ca nhiễm, Bộ Y tế Việt Nam bắt đầu công bố các hướng dẫn ngăn ngừa sự lây lan, bao gồm biện pháp kiểm soát biên giới, và khi có ca tử vong đầu tiên tại Trung Quốc vào ngày 11/1, Việt Nam đã đóng cửa biên giới phía bắc với Trung Quốc, đồng thời thiết lập các trạm kiểm soát y tế tại các biên giới và sân bay.
Chiến lược toàn diện
Các tỉnh/thành phố đã đóng cửa trường học ngay sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán bắt đầu từ cuối tháng 1 trước đó. Đây là điều hoàn toàn trái ngược ở thời điểm SARS bùng phát tại Việt Nam vào năm 2003 và gây bất ngờ cho chính phủ. Tuy nhiên, lần này nhà chức trách đã kịp thời đưa ra một chiến lược đối phó toàn diện, tạo cơ sở cho các biện pháp đối phó với đại dịch.
Vào cuối tháng 1, ngay sau khi có ca lây nhiễm trong nước đầu tiên, chính phủ đã thiết lập các khu vực cách ly đối với những ca nhiễm và nghi nhiễm Covid-19. Ở thời điểm cao nhất đã có gần 67.000 người được cách ly. Tại đây, những người bị cách ly được hỗ trợ bởi các nhân viên chính phủ và lực lượng tình nguyện, thường là các sinh viên.
Từ giữa tháng 2, tất cả những công dân đến từ các quốc gia có dịch bùng phát nghiêm trọng như Hàn Quốc, đều được đưa đến các khu vực cách ly Cho tới khi toàn bộ các biên giới được đóng cửa vào ngày 22/3, tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam đều phải thực hiện cách ly ở các khu vực do nhà nước chỉ định trong vòng 2 tuần. Và quan trọng hơn, như một phần của một chiến lược tổng thể, mọi vấn đề sinh hoạt và ăn uống đều được chính phủ hỗ trợ.
Ngoài ra, một phần nỗ lực không nhỏ được giành cho công tác truy tìm những người đã tiếp xúc với người nhiễm Covid-19. Mỗi bệnh nhân đều được thể hiện bằng một con số và chính phủ công bố rộng rãi hành trình di chuyển của họ trên các phương tiện truyền thông. Những thông tin này sau đó được đưa lên mạng xã hội và thường xuyên cập nhật. Bằng cách này, dù có thể còn gây nhiều tranh cãi, công chúng đã có những thông tin chính xác giúp họ biết được liệu mình có nguy cơ lây nhiễm hay không.
Tất cả các cơ quan đều vào cuộc
Vào tuần đầu tháng 2, một công ty tư nhân đã hợp tác với Bộ Quốc phòng phát triển bộ xét nghiệm Covid-19. Việc xét nghiệm ban đầu nhằm vào những người có liên hệ với các ca nhiễm Covid-19, bất kể họ có các dấu hiệu của bệnh hay không.
Bộ Y tế sau đó lập các trạm xét nghiệm ở những khu dân cư lớn và tiến hành xét nghiệm miễn phí. Ví như ở Hà Nội đã có khoảng 30 trạm như vậy, tạo ra thuận tiện cho người dân muốn xét nghiệm. Điều này dường như là phương án tiếp cận hiệu quả thay vì chỉ tập trung vào những người đã có biểu hiện bệnh rõ ràng. Bên cạnh đó, việc xét nghiệm miễn phí là một yếu tố thúc đẩy người dân đi xét nghiệm.
Tất cả các cơ quan của chính phủ đều vào cuộc, thay vì chỉ mỗi ngành y tế. Quân đội được yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng hỗ trợ, truyền thông ủng hộ các phương án của chính phủ và khuyến khích người dân tuân thủ. Ngày 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu kích hoạt Trung tâm Kiểm soát dịch khẩn cấp. Ngay sau đó, 40 đội phản ứng nhanh đã được thiết lập và các bệnh viện được yêu cầu chuẩn bị.
Minh bạch hóa thông tin
Chính phủ Việt Nam đã tiến hành tiếp cận vấn đề bằng cách minh bạch hoá mọi thông tin. Kể từ giữa tháng 12, một chiến dịch truyền thông được phát hàng ngày trên truyền hình, điện thoại và cả Zalo nhằm cảnh báo mọi người về tình hình hiện tại và các bước cần thực hiện tiếp theo.
Điều này đã dẫn đến kết quả kiểm soát sự bùng dịch ở mức tối đa.
Ngoài ra, các biện pháp đối phó với Covid-19 còn được hỗ trợ bởi truyền thông qua những câu chuyện về sự xả thân và cống hiến của những người hùng, qua đó gợi lại tinh thần yêu nước từ những cuộc chiến tranh trong quá khứ.
Đáng chú ý hơn cả, chính phủ Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ những thông tin khủng hoảng trong thời gian đại dịch bùng phát, đứng ra nhận trách nhiệm để thiết lập một hệ thống phản ứng toàn diện. Bên cạnh đó, họ còn sẵn lòng lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài để đưa ra chiến lược phục hồi kinh tế.
Minh Khôi