Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa, là dịp gia đình bày cỗ cho con trẻ để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Đó còn là ý nghĩa của đoàn tụ, và của thương yêu. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui mỗi khi Trung Thu về. Nhất là những vùng sâu vùng xa, những em nhỏ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì chuyện vui đón Tết Trung Thu là một điều không hề dễ dàng.
Thấu hiểu được điều đó, nữ nhà báo Minh Thùy hiện đang công tác tại Báo Thanh Niên đã có những trăn trở và quyết tâm thực hiện Chương trình “Trung thu giữa rừng Lần 1 năm 2018” với chủ đề MƠ MỘT MÙA TRĂNG. Chương trình được diễn ra vào ngày 23/9/2018 dành cho các bé dân tộc S’tiêng ở thôn sâu của xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước.
MƠ MỘT MÙA TRĂNG (*)
Những ngày Sài Gòn nhiều mưa bão này ai cũng ngại ra đường. Mọi người cũng đang hòa mình vào những hoạt động vui đón trung thu. Nhưng mấy ai biết có một nơi ở thôn Phú Thuận, xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước chỉ cách Sài Gòn hơn 150 cây số, trẻ thơ phải đến trường qua con đường sình lầy đất đỏ, qua cầu ngập nước. Và khi trung thu đến, các em bé chưa từng biết đến vị bánh trung thu. Có khá nhiều bé trong số này chỉ có duy nhất món đặc sản măng rừng nấu canh với gia vị duy nhất là muối. Món ăn với cơm trắng từ ngày này qua ngày khác. Vì vậy, mùa trăng này, tụi mình mong muốn không chỉ đem bánh trung thu, lồng đèn đến cho các bé mà còn đem thêm cá khô, mắm, dầu ăn, sách vở…để các em có thêm món thay đổi khi mùa măng đang vào rộ.
Căn nhà tình thương đối diện điểm lẻ trường tiểu học Phú Thuận có 4 chủ nhân nhỏ tuổi. Chị cả là Thị Liên, 14 tuổi, không đi học. Thay vào đó là toàn bộ thời gian Liên đi theo cô họ để cạo vỏ điều thuê. Ngày nào có hàng thì Liên cạo được 2kg và được trả công 12.000₫. Thỉnh thoảng Liên được người ta thuê đi bóc mủ chén. Ngày nào may thì được trả công 40.000 đồng. Chị hai là Thị Lợi, vừa học xong lớp 5, giờ thì không có đủ tiền và sức để vượt hơn 12 cây số đường rừng ra huyện học lớp 6. Vậy là Lợi ở nhà đi hái rau, nấu cơm cho hai em Thị Thanh và Thị Thảo ăn học. Thanh học lớp 5 nhưng mới có vở, chưa có sách giáo khoa, em út Thảo năm nay đủ tuổi vào lớp 1 nhưng đầu năm học đến lớp mà…chưa có giấy khai sinh nên em vẫn chưa được đi học. Khi chúng tôi đến Lợi đang hái rau chuẩn bị bữa cơm trưa cho mấy chị em. Rau các em ăn là những cây rau mọc dại trong vườn, khe suối. Bốn chị em gái tự đùm bọc nhau qua ngày như vậy vì mẹ của các em bị bệnh ung thư đã mất từ hơn 3 năm trước, ba của các em buồn quá lang thang suốt một thời gian dài, mới đây vừa xin được chân phụ hồ ở xa. Một tuần, có khi 1 tháng mới về. Người địa phương thấy 4 chị em côi cút nuôi nhau nên thỉnh thoảng người thì cho bao gạo, người chở cho thùng mì, các thầy cô giáo ở ngôi trường điểm lẻ thường xuyên góp tiền trả tiền điện, mua trứng sang cho các em ăn.
Cách đó không xa có một ngôi nhà khác có đến 6 em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hai em nhỏ nhất phải gửi mỗi em cho một người họ hàng ở xa nuôi giúp, còn 4 anh em ở đây không ai đi học, mỗi tháng xã cho một bao gạo 25kg, các em ra bờ suối hái măng. Thức ăn hàng ngày của các em là cơm trắng ăn với canh măng nêm muối. Ngày này qua tháng khác chỉ duy nhất món ăn như vậy trong mùa măng, hết măng lại chuyển sang rau rừng. Quần áo thì mặc đồ của mọi người cho.
Thị Năm chuẩn bị bữa trưa cho 4 anh em. Cơm trắng và canh măng rừng tươi nên muối trắng.
Cô Hồng, giáo viên của điểm trường kể, có hôm cô vào dạy thấy học trò gục trên bàn. Hỏi ra thì biết bố mẹ em đi làm xa, ở nhà không có gì ăn từ sáng đến trưa nên chiều lên lớp học em bị đói. Thế là cô đưa ra quán mua tô mì tôm cho em ăn xong thì em tỉnh lại và vào học được. Toàn thôn có hơn 200 hộ dân thì hơn một nửa trong diện ở nhà tình thương. Trẻ em ở đây quen nhất là món măng và kế tới là rau rừng.
Câu chuyện về tết trung thu với các em còn xa lạ lắm.