Thí sinh phản ứng đòi bỏ về vì phát biểu sau cùng; Giám khảo Kiều Oanh “căn vặn” thí sinh đến cùng và phản đối việc bình luận như thuyết trình; NSƯT Chí Trung “chỉnh” thí sinh vì đưa nhiều cảm xúc cá nhân vào phần bình luận và “bất bình” cho nghệ sĩ nam vì không được tôn vinh… Đó là những tiêu điểm trong tập 4 của chương trình Quyền Lực Ghế Nóng có chủ đề “Ảo thuật – Xiếc”, vừa được phát sóng vào tối qua với rất nhiều kịch tính, nhiều tranh luận gay cấn giữa thí sinh và giám khảo.
Mở màn là tiết mục xiếc Cánh Chim Việt do 2 nghệ sĩ Ngọc Ánh và Thu Thùy trình diễn. Đây là tiết mục vừa đoạt giải Mái bạt Vàng – giải thưởng cao nhất của Liên hoan Xiếc quốc tế Circuba hồi tháng 7/2017. Tiết mục mang đậm màu sắc Việt Nam được lấy từ hình tượng cây tre với nền nhạc Cây trúc xinh. Để có thể thực hiện được tiết mục này, cả 2 nghệ sĩ đã phải tập luyện suốt 5 năm, từ năm 11 tuổi đến nay. Sự khổ luyện của Ngọc Ánh và Thu Thùy đã mang đến một phần trình diễn tuyệt vời, đẹp mắt, khiến khán giả trầm trồ, thán phục khi cả hai liên tục thể hiện những động tác khó trên không.
Là người bốc thăm nhận xét đầu tiên, thí sinh Phan Tường Yên chia sẻ cảm xúc muốn nín thở khi xem tiết mục. Cô bày tỏ sự thán phục dành cho 2 nữ nghệ sĩ trẻ tài năng. Theo cô, tiết mục quá đẹp, không phải vì ánh sáng hay hình ảnh những cánh chim trên cây tre, hoặc âm thanh đậm chất dân tộc mà là vẻ đẹp trong sự say mê của 2 nghệ sĩ dành cho bộ môn nghệ thuật đầy hiểm nguy và rủi ro. Với tư cách là một người phụ nữ, cô ngưỡng mộ và nể phục những điều mà cả 2 nghệ sĩ đã, đang và sẽ hy sinh cho niềm đam mê với nghệ thuật xiếc. Và với tư cách của một người ngồi trên “ghế nóng” của chương trình, Tường Yên kêu gọi sự tôn vinh những người phụ nữ đi theo con đường nghệ thuật xiếc.
Là tiến sĩ Triết học, thí sinh Mai Diệu Anh nhìn nhận tiết mục với góc độ chuyên môn của mình đó chính là sự kết hợp, tác động qua lại giữa kỹ thuật và tâm hồn Việt, văn hóa truyền thống của Việt Nam. Theo cô, yếu tố văn hóa truyền thống của tiết mục được gói gọn trong hình ảnh cánh chim Việt rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam như hình ảnh những cánh chim trên trống đồng biểu tượng cho sự đi lên và vĩnh hằng của dân tộc. Bên cạnh đó nền nhạc của tiết mục là bài dân ca Quan Họ Bắc Ninh Cây trúc xinh cũng là một văn hóa truyền thống rất đẹp của người Việt. Cuối cùng là trang phục của 2 nghệ sĩ với họa tiết hoa sen – quốc hoa của Việt Nam. Với tiết mục này, Diệu Anh rất tin tưởng về giấc mơ, triển vọng của ngành xiếc Việt Nam ngày càng vươn cao và vươn xa.
Là thạc sĩ ngôn ngữ học, thí sinh Mộng Tuyền cho rằng trong tập trước cô đã từng nói mình là một người cực đoan với ngôn ngữ, cái gì cũng cần phải nói ra. Nhưng đến tuần này, cô nhận thấy có những nghệ thuật không cần phải dùng ngôn từ mà vẫn có thể chạm đến trái tim người xem. Cô cho rằng tiết mục Cánh Chim Việt là một tác phẩm đậm tính văn chương bởi cây tre trong bài gợi nhớ đến hình tượng Thánh Gióng, còn cánh chim Việt gợi nhớ đến hình ảnh Âu Cơ. Và điều mà cô ấn tượng nhất trong tiết mục đó chính là nụ cười của 2 nghệ sĩ xiếc. Dù phải treo trên cao trong tình huống nguy hiểm nhưng lúc nào cả hai cũng nở nụ cười. Sống với đam mê, điêu luyện với đam mê của mình là 1 hạnh phúc. Mộng Tuyền khép lại phần nhận xét của mình bằng câu nói: “Nếu đã đam mê thì hãy sống hết mình với đam mê đó, dù bạn có đổ bao nhiêu công sức đi chăng nữa”.
Sau phần nhận xét của 3 thí sinh, Á hậu cuộc thi Miss Vietnam in American 2017 Trang Thảo đột nhiên đứng lên đòi về khiến cho tất cả đều bất ngờ. Là người đưa ra nhận xét sau cùng, Trang Thảo cho rằng những lời hay ý đẹp đã được 3 thí sinh trên nói hết nên cô cũng không biết nói gì. Trước tình huống đó, MC Đinh Tiến Dũng đã rất khéo léo khi cho rằng ngôn ngữ có thể hữu hạn nhưng cảm xúc thì vô hạn và mỗi một người có một cảm xúc, cách nhìn nhận khác nhau. Anh tin rằng Trang Thảo cũng có cảm xúc riêng của mình. Trang Thảo cho biết cô có 3 điều muốn nói về tiết mục. Thứ nhất đó là sự ngưỡng mộ, thứ hai là ganh tị, thứ 3 là thông cảm. Cô ngưỡng mộ vì 2 nghệ sĩ đang trong độ tuổi chỉ biết ăn và đi học, không biết làm gì cả nhưng cả hai đã xuất sắc vượt qua 16 quốc gia, 34 tiết mục để giành giải cao nhất tại Liên hoan xiếc quốc tế Circuba 2017 – một liên hoan rất có uy tín trên thế giới. Đặc biệt, cả hai đã mang lại niềm tự hào cho người phụ nữ Việt Nam. Và sự thông cảm là bởi vì nghề xiếc ở Việt Nam chưa được tôn vinh nhiều, mức cát-xê thấp hơn rất nhiều so với ca sĩ, nên chăng thay đổi chính sách ưu đãi đặc biệt cho nghệ sĩ xiếc.
Nhận xét về phần trình bày của 4 thí sinh, giám khảo Chí Trung cho rằng thí sinh Tường Yên có lợi thế với chất giọng truyền cảm nhưng cô lại vội vàng trong việc đánh giá bằng cảm xúc của mình nên cảm xúc bị lẫn lộn, chưa sắp xếp được ý nên phần nhận xét của cô bị dài. Anh đánh giá thí sinh Mộng Tuyền lựa chọn ngôn từ tốt và sử dụng lợi thế về cách biểu đạt ngôn ngữ. Tuy nhiên, đó không phải là điểm cộng cho Mộng Tuyền trong tiết mục. Anh dành cảm tình cho thí sinh Diệu Anh vì cô đã thể hiện được những gì mà tiết mục Cánh chim Việt muốn hướng đến. Về Trang Thảo, anh cho rằng người ngồi “ghế nóng” không có quyền được đau đớn, chia sẻ, bực bội. Bởi người làm giám khảo làm nhiệm vụ đánh giá tiết mục cùng với khán giả ngồi ở dưới. Và khán giả mới là giám khảo chính. Họ có quyền thích, có quyển tẩy chay nhưng người ngồi ghế nóng thì không được bày tỏ cảm xúc đấy. Anh hy vọng ở các phần thi tiếp theo, Trang Thảo sẽ không bày tỏ điều này nữa. Trước lời nhắc nhở của NSƯT Chí Trung, Á hậu Trang Thảo giải thích vấn đề của mình đó là vì cô cảm thấy khó khăn khi phải trình bày sau cùng. Bởi, Trang Thảo cho biết với những người có chuyên môn như NSƯT Chí Trung, danh hài Kiều Oanh và MC Đinh Tiến Dũng, việc đưa ra nhận xét không mấy khó khăn, còn với những người không có chuyên môn như cô thì không biết phải “nhận xét cái gì” khi mình là người phát biểu sau cùng.
Ý kiến của Trang Thảo không nhận được sự đồng tình của danh hài Kiều Oanh bởi theo chị, chị và NSƯT Chí Trung cũng không có chuyên môn về xiếc và đều nhận xét bằng cảm xúc. Chị cho rằng chỉ cần bằng kinh nghiệm xem và cảm xúc cũng đủ để cho Trang Thảo nói. Nếu là chị, chị hiểu như thế nào sẽ nói như thế đó bằng những cảm xúc thật nhất, nói chân thành nhất. Chị hướng dẫn kinh nghiệm xử lý tình huống cho Trang Thảo khi phải là người phát biểu sau cùng và nhắc nhở các thí sinh còn lại không nên thuyết trình. Danh hài Kiều Oanh khẳng định, “ghế nóng” không cần thiết phải nói nhiều mà phải nói chính xác và đúng lúc, không được đặt cá nhân mình vào nhiều quá. Phần hướng dẫn của Kiều Oanh đã giúp cho các thí sinh có thêm nhiều kinh nghiệm khi gặp phải tình huống khó trên ghế nóng. Cũng như ý kiến của NSƯT Chí Trung, Thạc sĩ Nguyễn Việt Hùng – Phó Trưởng khoa chuyên môn xiếc Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã đại diện cho 2 nghệ sĩ Ngọc Ánh và Thu Thùy dành 1 điểm cộng cho thí sinh Mai Diệu Anh.
Tiết mục thứ 2 là Xiếc Xe đạp tập thể do các nghệ sĩ đến từ Đoàn xiếc TP.HCM biểu diễn. Tiết mục đã đưa khán giả trở về tuổi thơ bằng những màn biểu diễn giữ thăng bằng trên xe đạp vốn đã quen thuộc với nhiều khán giả. Song, tiết mục được làm mới hơn với nhiều động tác khó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật điêu luyện.
Thí sinh Diệu Anh cho rằng điều nổi bật nhất trong tiết mục xiếc vui nhộn này đó là tính tập thể, thể hiện ở trình độ ngang bằng nhau của các nghệ sĩ xiếc giúp cho phần phối hợp được nhuần nhuyễn và hài hòa. Ngoài ra, mỗi người còn có một năng lực riêng được thể hiện qua từng động tác trong tiết mục. Ngoài tính tập thể, điều Diệu Anh băn khoăn là các nữ nghệ sĩ xiếc dành bao nhiêu phần trăm cho gia đình và bao nhiêu cho công việc.
Thí sinh Mộng Tuyền cho rằng tiết mục đã giúp cho cô được trở về tuổi thơ. Theo cô thì bình thường sân khấu xiếc được thiết kế theo hình tròn và độ bám cao rất dễ cho tiết mục xe đạp nhưng sân khấu của chương trình hình vuông, trơn nhẵn nên rất khó để giữ thăng bằng. Theo cô thì thời gian gần đây, xiếc và ảo thuật ít thấy hơn so với cách đây vài chục năm. Có vẻ như khán giả đang quay lưng với xiếc. Nếu như khán giả đòi hỏi nhiều hơn thì cô tin các nghệ sĩ vẫn có thể đáp ứng được bằng việc sáng tạo ra những hình thức biểu diễn mới mẻ, hấp dẫn như 2 nghệ sĩ Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã từng làm kịch xiếc, có thể sau này sẽ có xiếc – cải lương, xiếc – hài….Cô cũng cho rằng, việc đưa xiếc vào SEA Games cũng là một ý kiến hay.
Ở phần thi này, Á hậu Trang Thảo được trả lời ở vị trí thứ 3 và cô vẫn tiếp tục hoang mang. Cô nói điều cô ấn tượng đầu tiên đó chính là nụ cười hạnh phúc của các nghệ sĩ xiếc khi được sống với đam mê. Thứ hai là nét đẹp sexy của các nữ nghệ sĩ.
Ngắt lời Trang Thảo, thí sinh Phan Tường Yên thể hiện góc nhìn của cá nhân cô đó là sân khấu của chương trình Quyền lực ghế nóng hoàn toàn khác với các nhà bạt mà mọi người vẫn thường thấy ở các gánh xiếc với sàn sân khấu có độ bám không cao. Cô ngưỡng mộ không phải vì kỹ thuật của các nghệ sĩ mà là ở việc các nghệ sĩ thích ứng, làm quen với sân khấu này trong thời gian rất hạn chế, sự xông pha của các nghệ sĩ khi rời khỏi vùng an toàn của mình để mang đến cho khán giả một tiết mục tròn trịa. Đặc biệt do sân khấu hạn chế nên ở động tác 9 nghệ sĩ cùng leo lên một chiếc xe đạp thì toàn bộ sức nặng và việc giữ thăng bằng phụ thuộc vào người lái chính và cô rất ghi nhận điều đó.
Giám khảo Kiều Oanh cho rằng cả 4 thí sinh đang xem một chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp nên việc đưa ra những lời hoa mỹ về sự hy sinh của các nghệ sĩ là dư vì họ bắt buộc phải khổ luyện để có thể bán vé, chứ không phải cho vé nên các thí sinh không nên xoáy nhiều về vấn đề đó. Thay vì vậy, hãy dùng những từ ngữ đơn giản, súc tích, không trình bày kiểu văn luận vì chị biết cả 4 thí sinh đều có vốn từ ngữ rất đẹp. Chị nói mình chỉ là một nghệ sĩ bình dân, chỉ hơn các thí sinh ở chỗ được tiếp xúc với các bộ môn nghệ thuật nhiều hơn thì tất cả hãy cùng hòa lại, tổng hợp những ưu điểm của nhau để cho ra một người ngồi ghế nóng tuyệt vời. NSƯT Chí Trung cho rằng đây là một tiết mục giải trí, vui nhộn nhưng cũng đặt ra 1 vấn đề của nghệ thuật xiếc đó là để tập 1 tiết mục, người nghệ sĩ phải tập nhiều năm, thậm chí có người cả đời chỉ có được 1 tiết mục nhưng sở đoản là tiết mục không có tuổi thọ cao, dễ tạo ra sự “monotone”, nhàm chán. Anh cho rằng nghệ thuật cần phải thay đổi và sáng tạo không ngừng. Đó cũng là một thách thức đối với ngành xiếc. Về phần nhận xét của 4 thí sinh, NSƯT Chí Trung cho rằng cả 4 thí sinh đều ca ngợi nụ cười của các nữ nghệ sĩ mà quên mất nam nghệ sĩ giữ thăng bằng cho chiếc xe đạp. Anh “bức xúc” bởi phụ nữ thường hay nói nhiều về sự hy sinh, thiên chức sinh con mà quên rằng người đàn ông vì điều đó mà dừng uống, không dám nhậu. Anh nói sự hy sinh của nam giới trong nghệ thuật là có thật nên nhắc 4 thí sinh nữ cũng phải tôn vinh. Trước phần “dỗi hờn” của nam giám khảo Chí Trung, nữ danh hài Kiều Oanh đã khéo léo xoa dịu anh rằng: “vì đàn ông trong mắt tụi em là quá tuyệt vời rồi nên không cần tôn vinh nữa”. Nhận xét về phần thể hiện của 4 thí sinh, đại diện của nhóm các nghệ sĩ xiếc đã dành 1 điểm cộng cho thí sinh Mộng Tuyền.
Tiết mục thứ 3 mang tên Chiếc kéo ma thuật do Ảo thuật gia Kao Long trình diễn. Đây là tiết mục mới hoàn toàn và được nghệ sĩ Kao Long biểu diễn lần đầu tiên trong chương trình Quyền Lực Ghế Nóng. Trong tiết mục, anh thôi miên một cô gái và đặt cô nằm trên mũi của chiếc kéo cao 1m8 để rồi mũi kéo đâm xuyên qua bụng cô gái nhưng cô không hề hấn gì. Tiếp theo đó, nghệ sĩ Kao Long đặt cô gái vào một chiếc thùng dài và dùng các lưỡi thép phân chiếc thùng ra 8 phần nhỏ.
Ở tiết mục này, Trang Thảo là người trình bày đầu tiên. Cô cho rằng tiết mục có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật của Ảo thuật gia Kao Long với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng và diễn viên hỗ trợ. Cô đánh giá cao thần thái trời phú của Kao Long và cho biết nghệ sĩ Kao Long đã có hơn 30 năm trong nghề. Trước thông tin của Trang Thảo, giám khảo Kiều Oanh đã cắt lời bằng câu hỏi liệu Trang Thảo có biết vị trí, uy tín hiện nay của Kao Long trong Hội ảo thuật. Nữ thí sinh thừa nhận mình không biết chức vụ của nghệ sĩ Kao Long nhưng cô biết trong chương trình Quyền lực ghế nóng, nghệ sĩ Kao Long là người đứng ra tư vấn và dàn dựng các tiết mục. Cô cho rằng đời sống của nghệ sĩ xiếc và ảo thuật rất thấp, thu nhập không cao, show diễn không nhiều, đãi ngộ chưa tốt.
Thí sinh Phan Tường Yên cho rằng khán giả bây giờ đã mất đi sự trong sáng, không ngồi để thưởng ngoạn mà chủ yếu là soi. Bản thân cuộc sống đã bộn bề âu lo nên cô kêu gọi mọi người nên tận hưởng tiết mục như 1 sự dụng công và trình diễn của các nghệ sĩ. Nghe danh nghệ sĩ Kao Long đã lâu, Tường Yên đã thử tài của nam nghệ sĩ 55 tuổi bằng việc yêu cầu anh làm ngay một trò ảo thuật chưa chuẩn bị trước. Đáp ứng yêu cầu của Tường Yên, nghệ sĩ Kao Long đã biến chiếc khăn lụa của Tường Yên thành một chiếc gậy cứng cáp trong sự thán phục của mọi người.
Thí sinh Mộng Tuyền cũng đồng cảm với Tường Yên. Tuy nhiên, điều cô muốn nhấn mạnh ở đây đó chính là việc chế tạo đạo cụ trong bộ môn ảo thuật. Để có tiết mục chỉn chu trên sân khấu, bắt buộc các ảo thuật gia phải tự vẽ mẫu, tự mình thiết kế. Điều đó cho thấy sức sáng tạo của người ảo thuật gia. Cô tôn trọng các ảo thuật gia như những nhà khoa học bởi sự chính xác trong từng cấu trúc vật lý của đạo cụ, chính xác về âm thanh, về ánh sáng. Bên cạnh việc là một kỹ thuật gia, một nhà khoa học, ảo thuật gia Kao Long còn là một nghệ sĩ trình diễn. Giám khảo Kiều Oanh đã vỗ tay tán thưởng cho ý kiến của Mộng Tuyền, đồng thời lại đưa ra một sự lựa chọn khó khăn cho Mộng Tuyền đó là hoặc cô sẽ dừng lại phần nhận xét của mình ở đây, hoặc cô sẽ nói tiếp nhưng nếu nói lệch ý sẽ bị trừ điểm. Mộng Tuyền đã chọn vế thứ 2. Cô cho rằng cả Việt Nam không tìm được 1 trường dạy ảo thuật chuyên nghiệp nên cô hy vọng sau chương trình này sẽ có nhiều sự quan tâm hơn dành cho ảo thuật và sẽ có các trường dạy ảo thuật chuyên nghiệp để có thể phát triển hơn ngành ảo thuật nước nhà.
Thí sinh Mai Diệu Anh dành 2 từ cho phần trình diễn của nghệ sĩ Kao Long đó là: sáng tạo và hoành tráng.
Nhận xét về phần trao đổi của 4 thí sinh, nghệ sĩ Kao Long cho rằng cả 4 thí sinh đều đưa những góc nhìn khác nhau, có đúng và cả không đúng. Anh không thích việc thí sinh nhắc nhiều đến tên của mình mà không đề cập đến vai trò của tập thể để làm nên thành công của tiết mục. Anh dành 1 điểm cộng cho thí sinh Mộng Tuyền.
Giám khảo Chí Trung cũng đồng ý với ảo thuật gia Kao Long khi anh dành điểm cộng cho Mộng Tuyền. Anh cho rằng đến với nghệ thuật mà không có một niềm tin say mê, không làm sống những phút trẻ thơ và hết mình vì nó thì sẽ không cảm thụ được hết nét đẹp của nghệ thuật. Dẫu vậy, anh không cổ súy việc mở trường dạy ảo thuật để ảo thuật giữ được sự huyền bí, hấp dẫn. Danh hài Kiều Oanh nhắc nhở Trang Thảo khi nhận xét, thí sinh cần phải tìm hiểu đối tượng mà mình nhận xét là ai, có thâm niên trong nghề như thế nào. Chị bật mí Ảo thuật gia Kao Long chính là Chủ tịch chi Hội xiếc – Ảo thuật – Hội sân khấu TP.HCM.
Kết thúc tập thứ 4 của Quyền lực ghế nóng, thạc sĩ ngôn ngữ học Nguyễn Thị Mồng Tuyền tiếp tục dẫn đầu bảng Nữ với số điểm 57,5 điểm, kế đến là Tiến sĩ Triết học Mai Diệu Anh với 54,5 điểm, Giảng viên Phan Tường Yên 52,5 điểm và Á hậu Trang Thảo với số điểm thấp nhất 51,5 điểm.
Tập 5 của chương trình sẽ phát sóng vào lúc 20h30 thứ Tư ngày 18/10/2017 trên kênh VTV3 với phần tranh tài của 4 thí sinh nam trong chủ đề Thoại kịch. Chương trình do Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp cùng công ty Truyền thông Khang thực hiện với sự tài trợ của Trà thảo mộc Dr.Thanh. Dẫn chương trình là MC Đinh Tiến Dũng (Cù Trọng Xoay).
Hoàng Yến