Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại những thay đổi to lớn đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn hóa – giáo dục. Nhân lẽ đó, NXB Tổng hợp TP.HCM phát hành 2 quyển sách “Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt” – tác giả Lê Minh Quốc; “Ai làm đau tiếng Việt” – tác giả Hồ Xuân Mai nhằm nhìn lại Quy luật của tiếp xúc và những áp lực ảnh hưởng ngôn ngữ.
Cả 2 tác phẩm nêu lên những những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm khởi đi từ thực tế tìm tòi và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị…
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo – một xã hội thu nhỏ, đã, đang và sẽ tiếp nhận đầy đủ mặt tích cực và tiêu cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà mỗi thành viên trong các gia đình, cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên dù được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức rất công phu, nghiêm túc (gần 20 năm học tập) với các chuẩn mực khắt khe của con người. Nhưng họ sẽ làm gì và chống đỡ như thế nào khi mà cả xã hội đang chuyển mình bước vào thời đại số hóa và chịu tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của hệ máy móc, thông tin, các rô-bốt thông minh mang trí tuệ nhân tạo?
Ngôn ngữ không phải là thứ bất biến. Nó thay đổi theo thời gian và không gian. Hai trạng thái thay đổi này luôn luôn bổ sung cho nhau, làm thành một hiện trạng của một ngôn ngữ. Chẳng hạn, thời gian khiến cho tiếng Việt dần mất đi các tổ hợp phụ âm đầu, trở thành đơn tiết như hiện nay. Nhưng chắc chắn quá trình này không diễn ra hoặc nếu có thì cũng sẽ rất chậm, không triệt để nếu như tiếng Việt không tiếp xúc với các ngôn ngữ trong khu vực.
Quy luật của tiếp xúc ngôn ngữ là vay mượn. Kết quả của tiếp xúc là sự thay đổi bên trong của mỗi ngôn ngữ. Sự thay đổi dễ thấy nhất là ngữ âm và từ vựng. Yếu tố ngữ pháp của một ngôn ngữ chậm thay đổi nhất. Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, hơn hai phần ba là từ vay mượn. Đó là kết quả của tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer,… Nếu không có sự vay mượn này, không có tiếng Việt phong phú và trong sáng như hôm nay.
Theo PGS, TS. Nguyễn Xuân Hòa Khoa Du lịch – Ngoại ngữ, Đại học Thành Đô, Văn hoá của bất kỳ một quốc gia, một cộng đồng nào cũng đều được phản ánh trong ngôn ngữ của dân tộc. Vì vậy khi giao tiếp xuyên văn hoá cần có sự hiểu biết chung (kênh hiểu biết chung), từ đó ngữ cảnh sử dụng đơn vị ngôn ngữ trong giao tiếp không chỉ là ngữ cảnh ngôn ngữ mà còn là ngữ cảnh ngoài ngôn ngữ.
PGS, TS. Nguyễn Xuân Hòa cho rằng, trong giao tiếp ngôn ngữ và nhất là trong dạy/học ngoại ngữ và dịch thuật sự hiểu biết nền văn hoá và cách tư duy dân tộc của nước học tiếng là hết sức cần thiết, nếu không nắm được sự hiểu biết này sẽ dẫn đến tình trạng “hiểu sai điều người ta nói chứ không phải hiểu sai lời nói” khi tham gia giao tiếp.
Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt
“Sự sống còn của một ngôn ngữ do chính người nói ngôn ngữ này quyết định”– nhà ngôn ngữ Jean Louis Calvet đã nói như vậy. Vào tháng 11.1999, khi UNESCO quyết định công bố: ngày 21.2 hằng năm là Ngày Quốc tế tiếng mẹ đẻ, đây chính là khẳng định về sự bình đẳng ngôn ngữ của mọi dân tộc. Nhân kỷ niệm lần thứ nhất ngày ra đời sự kiện này, tại trụ sở UNESCO đã ghi câu: “Trong dải ngân hà các ngôn ngữ, mỗi từ là một vì sao” – đã được dịch ra 64 thứ tiếng. Hơn thế nữa, nghệ thuật sử dụng vốn từ trong giao tiếp lẫn nếp ăn, lối ở, cách mặc, bao giờ cũng phản ánh giá trị văn hóa của dân tộc đó. Gần như tất cả chúng ta đều có “mẫu số chung” với tình yêu tiếng mẹ đẻ – ngôn ngữ đầy tự hào của dân tộc Việt Nam. Tác giả Lê Minh Quốc cùng với sự học tiếng Việt cũng dùng hơn 40 năm làm nghề viết lách, mày mò, nghiên cứu thêm nhiều ngữ nghĩa đa tầng xoay quanh ngôn ngữ tiếng Việt trong bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt.
Bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt không phải là công trình lý thuyết về nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ mà, nó là những cảm nhận, thu thập và trải nghiệm của nhà thơ – nhà văn Lê Minh Quốc khởi đi từ thực tế tìm tòi và từ nhiều nguồn từ điển, tự vị… Văn hóa Việt nhìn từ Tiếng Việt, được chia thành ba tập: Chơi chữ chanh chua chan chát chữ, Lưỡi lươn lẹo lẹ làng lắt léo, Dích dắc dặt dìu dư dí dỏm không sắp xếp theo hệ thống ký thường thấy mà đan xen nhiều điển tích, cách dụng chữ từ xưa đến nay, phong phú ẩm thực Việt, phong tục tập quán, thói hư tật xấu… như một cách cởi mở để xâu chuỗi nhiều câu chuyện trong tập sách thú vị này.
Từ những điển tích hay truy nguyên nguồn gốc câu chuyện như: Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng; I cụt, y dài, y cà lết, y cờ rết; Song lang hay song loan; Nấu sử xôi kinh hay sôi kinh?; Mút mùa “Lệ Thủy” hay mút mùa “lệ thủy”; Vân vân và mây mây v.v..; Chém gió méo mó tiếng Việt; Từ chơi “phây” đến chơi “ba que xỏ lá”; Biến bi thành hài…
Ngôn ngữ trong ẩm thực như: Ngẫu hứng cùng nghệ thuật ăn; Buồn tình, nghĩ tới… chuyện ăn, Ăn từ… tiếng rao, Ăn từ… trang sách; Miệng nhai cơm búng; Rượu hồng đào trút nhào vô nhạo; Từ “trà phe” đến “bia bọt”; Trâu giật, lợn mẹt, gà mâm…
Ví von về thói hư, ăn chơi trăng hoa, thiếu đi sự chung thủy như: Ghen rồi… đánh ghen; Chim chuột phen này… vồ lấy cống; Của còn chung chạ của…; Chơi bợm, bải, phò phạch; Bồ bịch qua bị bầu…; Nhảy đầm nhảy đực…
Bên cạnh đó, tác giả còn giải nghĩa thêm những tập tục Lễ – Tết hay thưởng thức nghệ thuật như: Ăn Tết với nhau, rủ nhau đụng lợn; Nhìn bếp… thấy ông Táo; Lạm bàn chuyện đánh Cọp; Chơi hô lô tô; Dí dỏm như hô bài chòi; Chơi trống quan, lan man ca trù; Xem chèo, qua… hề chèo; Xem tuồng đồ, nghĩ về đồ; Bàn phiếm về hát bội, nhưng…
Động lực duy nhất để tác giả Lê Minh Quốc hoàn thành bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt là sự miệt mài học tiếng Việt và vì tình yêu máu thịt dành cho tiếng Việt. Có điều đây vẫn là bộ sách chưa thể kết thúc. Anh sẽ vẫn tiếp tục viết, viết thêm nữa. Bởi còn quá nhiều đề tài thú vị và tiếng Việt lại vô cùng phong phú, phong cách dùng từ cũng đa tầng đa nghĩa biến chuyển theo không gian và thời gian. Dù cho trăm năm hay ngàn năm sau đi chăng nữa, làm sao có thể quên được những từ ngữ hay tiếng nói tha thiết quen thuộc từ khi lọt lòng mẹ.
Tác giả Lê Minh Quốc chia sẻ: “Xin nói thật lòng, đã từ lâu, tôi nghĩ rằng, đã người Việt nhưng chắc gì chúng ta… đã hiểu tiếng Việt? Có những từ đã sử dụng từ xửa từ xưa, trải dài theo năm tháng, dần dần phai nghĩa, do đó, thế hệ sau khó có thể hiểu trọn vẹn ngữ nghĩa của nó. Điều này, ta thấy rất rõ khi đọc thành ngữ, tục ngữ, ca đao – vốn là trí tuệ của dân tộc ta truyền miệng từ đời này qua đời nọ. Trộm nghĩ đó là một cách “giữ của” tốt nhất đã có từ thời dựng nước – giữ nước, chứ không nhất thiết phải thể hiện trên giấy trắng mực đen, bia đá. Đất nước phải luôn đối đầu với nạn ngoại xâm, cha ông ta chọn lối truyền miệng sẽ không một kẻ thù nào có thể tước đoạt hoặc tiêu diệt nổi. Đồng ý, câu cửa miệng ra đời còn bắt đầu từ ghi nhận, quan sát qua phong tục, lễ nghi, tập quán, đất lề quê thói… và trong quá trình đó, còn thêm yếu tố có thể bắt đầu từ một câu chuyện cụ thể. Sau đó, người ta quên đi câu chuyện đó, hoặc do ngữ nghĩa phai dần, vì thế, cũng câu nói đó nhưng mỗi người hiểu mỗi phách; hoặc có thêm đị bản là thế. Tìm về chất liệu từ câu cửa miệng đã và đang tồn tại, cũng là một hướng quan trọng để ta tiếp cận với văn hóa. Vì lẽ đó, khi viết bộ sách Văn hóa Việt nhìn từ tiếng Việt, tôi hết sức chú trọng đến lời ăn tiếng nói của người xưa. Khổ nỗi, có những từ mà “tôi và chúng ta” đều ngắc ngứ”.
Và, chúng ta yêu lấy tiếng tiếng Việt/ tiếng ta, tiếng mẹ đẻ là một lẽ tự nhiên đã hình thành ngay từ trong máu thịt, từ lúc cất tiếng khóc oe oe lọt lòng mẹ. Tiếng mẹ đẻ là tài sản quý báu của dân tộc Việt, khi ta giữ lấy và yêu lấy cũng là một cách : thể hiện tấm lòng yêu lấy non sông gấm vóc:
“Dịu dàng, day dứt dùng da diết
Nặng nợ ngàn năm níu núi non
Hồn nước nằm trong hồn tiếng Việt
Tiếng ta tự tại tới trường tồn…”
Ai làm đau tiếng Việt?
Áp lực xã hội, áp lực từ báo chí – truyền thông đã khiến cho thế hệ trẻ (và cả người lớn) nói/viết sai tiếng Việt. Thế nhưng, một thời gian dài, có trên ba mươi năm, không ai lên tiếng.
“Ai làm đau tiếng Việt?” là một cuốn sách thú vị, đầy tâm huyết của tác giả, Tiến sĩ ngôn ngữ học – Hồ Xuân Mai.
Tác giả không trình bày theo chuyên mục nhằm giảm tính hàn lâm của quyển sách. Do đó, bạn đọc sẽ cảm thấy nội dung của quyển sách rất đời thường, gần gũi, thậm chí là có mình trong đó. Mỗi bài – tạm gọi vậy – tác giả nêu ra thực trạng và nguyên nhân của nó. Cuối cùng là cách sửa, cách khắc phục.
Chỉ nên xem đây là những bài tập về tiếng Việt – những bài thực hành về tiếng Việt thôi. Tác giả cố gắng trình bày nội dung của mỗi bài và của toàn quyển sách bằng những từ ngữ đơn nghĩa nhất để những em học sinh dễ hiểu, dễ khắc phục còn người lớn, những người làm công tác chuyên môn thì vẫn có thể sử dụng như một tài liệu khoa học về ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Việt, để cùng nhau sửa, cùng nhau làm cho tiếng Việt yêu quý của chúng ta ngày một trong sáng và đẹp hơn.
Mỗi chúng ta đều có những lúc viết hớ, nói ngọng tiếng Việt. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất. Những cái sai này chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp giữa những người tham gia; hoàn toàn không để lại bất cứ ảnh hưởng nào tới đời sống ngôn ngữ cộng đồng. Nhưng những cơ quan có chức năng bảo vệ, phát triển và truyền bá ngôn ngữ mà sai thì hậu quả sẽ khôn lường.
Thời gian qua, khoảng vài chục năm, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng viết/ nói sai tiếng Việt. Sai tới mức rất đáng giận. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào lên tiếng. Cái sai, như vậy, cứ ung dung tồn tại, lan truyền trong cộng đồng. Tới mức, nhiều người, kể cả những người có trình độ học vấn cao, cũng không nhận ra và còn tiếp tay cho nó.
Theo tác giả, cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là lập pháp ngôn ngữ. Chừng nào chưa có sở xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, cái sai trong sử dụng tiếng Việt còn tồn tại.
Chúng ta nói rất nhiều về việc Bảo vệ và Phát triển tiếng Việt; Giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt; Nói đúng Tiếng Việt. Viết đúng Tiếng Việt;…nhưng một khi các cơ quan nhà nước, những người có trình độ học vấn cao mà sử dụng tiếng Việt sai, thì những lời kêu gọi, những băng-rôn, khẩu hiệu chỉ là trò chơi không hơn không kém. Rất mong chúng ta sớm có luật ngôn ngữ và trên hết là lập pháp ngôn ngữ để bảo vệ dân tộc này, trước hết là tiếng nói.
Mạng xã hội ngày nay trở thành các kênh sản xuất và lan tỏa nội dung hiệu quả với tốc độ phát triển nhanh khủng khiếp, song cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hại. Chính vì thế vai trò của các gia đình, thầy giáo, cô giáo, các bạn sinh viên trong chiếm lĩnh những thành tựu khoa học công nghệ, cũng như đặt ra nhưng yêu cầu quan trọng cần phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học ngôn ngữ trong điều kiện mới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của internet cũng như tiếp cận sớm các thiết bị công nghệ số đã hình thành nên những phương cách giao tiếp, trao đổi kiểu mới của giới trẻ. Dẫn đến tình trạng giới trẻ, nhất là trong lứa tuổi học sinh, sinh viên thường sử dụng ngôn ngữ theo kiểu viết tắt, viết ký hiệu, ngôn ngữ “tự chế” nửa tây, nửa ta, nửa chữ, nửa số, tiếng lóng… để nhắn tin trên điện thoại, mạng xã hội ngày càng nhiều. Theo các em thì đó là phương thức đáp ứng nhu cầu truyền thông điệp nhanh, thể hiện biểu cảm, cá tính của tuổi mới lớn…
ThS. Thân Trung Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và tư vấn phát triển tri thức (ITCD – TP Hồ Chí Minh) trong bài viết “Ngôn ngữ của giới trẻ trên internet” từng nhận định: “Ngôn ngữ không chỉ là công cụ để chúng ta giao tiếp, biểu lộ tình cảm, suy nghĩ của mình, mà còn có vai trò quan trọng trong việc phát triển khả năng tư duy cũng như ảnh hưởng lớn đến việc hình thành, phát triển nhân cách con người cũng như khả năng thành công trong cuộc sống. Một ngôn ngữ đa dạng, biểu cảm nhưng hàm xúc và lôgíc là một tiêu chuẩn cần đặt ra cho những sáng tạo mới. Bạn trẻ không nên lạm dụng ngôn ngữ… “lẩu”. Chính vì vậy, việc giữ gìn, bảo vệ “sự trong sáng của tiếng Việt” cần được các cấp, ngành và chính các bạn trẻ quan tâm hơn nữa”.