Trong điều kiện học sinh (HS) có nhiều nguồn để tham khảo và cập nhật kiến thức, giáo viên (GV) không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần, mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho HS.
Có không ít GV lo lắng rằng, với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy – học thì vai trò của thầy cô sẽ ngày càng mờ nhạt. Thế nhưng, thực tế quá trình dạy – học cho thấy rằng, không có gì thay thế được người thầy.
Chỉ có những thầy cô giáo có năng lực ứng dụng CNTT trong dạy học sẽ thay thế những thầy cô không bắt nhịp được với CNTT trong tương lai mà thôi.
Khơi gợi đam mê và sáng tạo
Sau cuộc trò chuyện với thầy giáo Lê Quốc Hưng – GV môn Tin học, Trường THCS – THPT Nguyễn Khuyến, chúng tôi càng tin chắc rằng, có rất nhiều thầy cô, bằng chính phương pháp sư phạm cùng tình yêu nghề của mình, đã truyền cảm hứng, thậm chí định hình luôn sự lựa chọn tương lai của nhiều thế hệ học trò. Như trường hợp cậu học trò Vũ Khương Duy.
Đến với môn Tin học từ lớp 6 và đã có giải lập trình trong kỳ thi HS giỏi môn Tin học cấp thành phố, nhưng Duy “chỉ vì sợ anh trai quá mà học”. Sau đó, anh trai của Duy đang làm tiến sĩ ở Mỹ và là một chuyên gia lập trình cho một hãng máy tính lớn, là học trò cũ của thầy Lê Quốc Hưng, gọi điện về nhờ thầy kèm cặp em mình.
“Học với thầy, em thấy đỡ căng thẳng hơn, thầy cực kỳ tâm lý và tận tình” – Duy chia sẻ.
Ngoài những thuật toán lập trình, thầy Lê Quốc Hưng còn gợi mở cho Duy sự hấp dẫn của những bài toán tin, thấy được những ứng dụng của nó trong thực tế cuộc sống, gợi mở trong cậu học trò nhỏ niềm đam mê sáng tạo… Đây là cú hích để năm học lớp 9, Vũ Khương Duy đoạt giải Nhất phần thi lập trình khối THCS ở kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc năm 2016 và theo học chuyên Tin ở những năm học THPT. Sau đó, Duy chọn Tin học là con đường lập nghiệp cho mình.
Có nhiều học trò cũ của thầy Lê Quốc Hưng là chuyên gia lập trình giỏi đang làm việc ở nhiều công ty đa quốc gia. Đôi khi thầy trò chỉ đi cùng nhau một đoạn đường ngắn trên con đường học hành nhưng kỷ niệm về nhau trong lòng của cả thầy và trò đều đong đầy.
“Tôi chỉ dạy THCS, lúc nào dạy hết chữ thì tôi sẽ giới thiệu người khác để các em theo học. Tôi luôn tâm niệm rằng, học trò yêu quý thầy cô giáo môn nào thì sẽ thích học môn đó, nên phải làm sao thu phục được nhân tâm của các em.
Nhiều học trò cũ của tôi sinh sống ở nước ngoài, mỗi lần về Đà Nẵng là ghé tới thăm thầy. Có lẽ tấm lòng mình, công sức mình dốc lòng hướng dẫn, dạy dỗ các em ngày xưa đã để lại trong các em những tình cảm, ấn tượng tốt đẹp” – thầy Hưng tâm sự.
Điều quan trọng của nghề dạy học, không chỉ đơn thuần là truyền thụ kiến thức, mà ở chỗ, người thầy phải biết khơi gợi và nuôi dưỡng niềm đam mê ở học trò. Chính sự đam mê, tinh thần cống hiến và khả năng khám phá sẽ là những động lực để mỗi HS phấn đấu trên con đường học vấn và cả trong cuộc sống sau này.
Trọng nghề mới được làm nghề
Thầy Nguyễn Đình Hòa (GV Trường THPT Trần Phú, TP Đà Nẵng) cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin, tài liệu tham khảo của thầy và trò tương đối bình đẳng. Do đó, ngoài việc cung cấp tài liệu, thầy giáo còn phải định hướng cho học trò cách đọc, cách tiếp thu kiến thức, để các em không thụ động mà phải biết đối thoại với sách để hình thành năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, nâng mình lên thành người phản biện.
Ngay trong cách soạn giáo án của thầy Hòa, cũng có những khoảng trống và sẽ được lấp đầy nhờ những phát hiện bất ngờ của thầy và trò trong giờ học.
Quan niệm của thầy Hòa trong dạy – học là từ sách vở có thể liên hệ đến thực tế, giáo dục cho HS biết chia sẻ với những cảnh ngộ xung quanh mình, hướng HS biết quan tâm đến những gì gần gũi với đời sống hàng ngày chứ không phải là những giá trị ảo trên thế giới mạng qua cách thầy tập cho HS quan tâm đến những người thân như ba mẹ, bạn bè…
Vào nghề năm 1985, thời điểm mà nhiều GV không trụ lại được với nghề vì khó khăn, cô Trần Thị Kim Bình (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tâm sự: “Hơn 25 năm trong nghề, làm sao tránh khỏi những lúc nản lòng, mình hầu như nhận công tác ở những địa bàn khó khăn, nhiều thách thức… nhưng rồi lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm nghề nghiệp đối với xã hội đã giúp mình đứng vững được. Nghề nghiệp, ngoài mang lại cho mình một công việc ổn định, còn tạo cơ hội cho mình được tôn vinh, quý trọng, sao mình có thể phụ bạc được”.
Cô Bình chia sẻ rằng, để làm một giáo viên tốt thì việc học của người thầy là chưa bao giờ ngừng nghỉ, bởi chỉ cần không trau dồi, không tự cập nhật kiến thức, thông tin thì giáo viên còn tụt hậu so với cả HS. “Như trước đây, khi đánh giá một giờ dạy thành công tức là không khí lớp trật tự, HS ngồi ngay ngắn, gần như cả lớp xung phong phát biểu khi GV nêu câu hỏi.
Nhưng với quan điểm đánh giá dựa trên việc phát triển năng lực – phẩm chất của HS thì tiêu chí đánh giá như trên là không còn phù hợp nữa. HS có thể thảo luận nhóm, di chuyển vị trí ngồi… nên không khí lớp học im phăng phắc là điều không thể. GV phải đổi mới phương pháp dạy – học và cả cách đánh giá chứ không thể khăng khăng theo những giá trị cũ” – cô Bình nhận xét.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hoàng Long – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, trong một hội thảo bàn về văn hóa ứng xử trong trường học do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức, đã cho rằng, khác với mọi ngành nghề, ngành Giáo dục có tính xã hội rất cao nên ai cũng có thể nói, có thể bàn về giáo dục được cả; yêu cầu của xã hội đối với người làm trong nghề này cũng rất cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Long: “Trong giáo dục có nguyên tắc là tôn trọng HS, nhưng cũng yêu cầu rất cao ở các em. Sự tôn trọng của xã hội đối với nghề giáo thì đã rõ nhưng trong nhiều câu chuyện, vụ việc, thái độ không tôn trọng đã dẫn đến uy tín của ngành Giáo dục bị giảm sút. Chính vì vậy, bản thân những người làm giáo dục phải giữ uy tín cho mình, nhưng mặt khác, xã hội cũng cần có hiểu biết để cùng góp tiếng nói với ngành Giáo dục định hướng cho học trò”.