VHO – Việc hai nghệ sĩ Hoài Linh và Minh “Béo” được trao huy chương tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội với nhiều ý kiến trái ngược. PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng cơ quan quản lý nhà nước khi chấp nhận cho hai nghệ sĩ Hoài Linh, Minh Béo dự thi và chấm giải Vàng, Bạc cho vai kịch của họ, hay là phản ứng trái chiều của phần đông khán giả đối với hai nghệ sĩ này, đều có cái lý của họ…
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết: “Tôi từng là thành viên giám khảo của Liên hoan Sân khấu kịch đợt 1 tại Hải Phòng và ở nhiều cuộc thi, liên hoan nghệ thuật, nên tôi hiểu trách nhiệm chuyên môn của giám khảo: Đó là phải trao giải thưởng, huy chương đúng với tài năng của nghệ sĩ kịch, ở các thành phần như viết kịch bản, dàn dựng vở diễn và đặc biệt là sắm vai kịch trên sân khấu.
PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái đã tham gia giám khảo ở nhiều cuộc liên hoan, cuộc thi nghệ thuật sân khấu
Đặt mình vào vị trí khán giả, tôi hiểu những phản ứng của người xem về những hành vi không mấy tốt đẹp của nghệ sĩ, đã xảy ra trước đó, đã bị pháp luật trừng phạt, bị dư luận lên án ở bên ngoài vở diễn… nên khi xem kịch và khi nghe tin họ được giải, phía khán giả có quyền bày tỏ sự phẫn nộ, ít nhất là sự khó chịu, không hài lòng. Bởi khán giả không thể và chưa thể buông bỏ các cảm giác bất bình khi thưởng thức vai diễn và nghe tin họ được giải cao. Khán giả có quyền lựa chọn không xem Hoài Linh, Minh Béo diễn kịch nữa, sau khi đã từng yêu mến, hâm mộ và thán phục hai nghệ sĩ này. Minh Béo, Hoài Linh, ngoài việc là nghệ sĩ biểu diễn, còn là những công dân, với trách nhiệm công dân, bình đẳng với các công dân khác ngoài xã hội. Và khi mắc những hành vi vi phạm pháp luật, hoặc chưa mấy tốt đẹp, đã bị dư luận xã hội lên án, nên phải im lặng, không xuất hiện trong một thời gian dài, nhưng cuộc Liên hoan đã khiến họ tái xuất với mong muốn “hoàn lương”, muốn tiếp tục công việc nghệ sĩ kịch của mình, muốn khép lại quá khứ, thì điều này là hoàn toàn chính đáng. Và đồng nghiệp cũng ủng hộ việc trở lại này, dù không phải là tất cả.
Thế nhưng, khán giả và dư luận xã hội có muốn như họ muốn không lại là một câu chuyện khác. Mà sân khấu kịch, thuộc thể loại hàng đầu trong đối thoại với người xem về các vấn đề “nóng” trong thế sự hôm nay, lại đang vất vả bơi trong sóng đại dịch Covid-19 toàn cầu, thì liệu khán giả – những người bỏ tiền mua vé, có đủ sự bao dung, thông cảm và đồng cảm trước những nhân vật kịch đang phô diễn đạo đức tốt đẹp, rao giảng về tình người, về luân lý, khi nghệ sĩ sắm vai đã từng là những người bị mắc lỗi lớn về văn hóa ứng xử với cộng đồng xã hội như thế không? Tôi nghĩ là khó, và khán giả hoàn toàn có lý khi họ phản ứng như thế!
Khi nghệ sĩ được coi là người của công chúng đã làm mất niềm tin với khán giả thì anh phải lấy lại niềm tin ấy bằng nhiều cách, trên cơ sở tận tâm và thật trong trẻo, chứ không chỉ mỗi cách đăng ký dự thi nhằm lấy giải, nhằm “xóa sổ” những scandal, bê bối… Không ai có thể cấm cản họ dự thi cũng như cấm họ tiếp tục biểu diễn, nếu xét về lý, sau khi họ đã phải trả giá cho lầm lỗi bằng việc thực hiện các bản án và trở về cuộc sống đời thường, hoặc đã ân hận về những hành xử thiếu chuẩn mực của mình. Tôi cho rằng, sự tự chịu trách nhiệm về hành vi xã hội và hành vi nghệ thuật, trước hết phải thuộc về nghệ sĩ. Có phải cô Kiều đã quyết không đồng ý lời cầu hôn của Kim Trọng sau 15 năm giang hồ lưu lạc đấy sao, dù về lý, chính Kim Trọng chủ động và cả gia đình Kiều hân hoan ghép đôi. Chỉ vì Kiều nghĩ: Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau. Cô Kiều chỉ đồng ý làm bạn và khước từ làm vợ, chính cô ấy đã tìm ra cách tốt nhất so với những cách ít tốt hơn! Và đó mới là một cách thật hay!
Tôi cho rằng các nghệ sĩ sau những sai lầm của mình thì việc họ cần làm hơn cả là giữ được sự trong trẻo, đam mê với nghề nghiệp, và biết tự chịu búa rìu dư luận, bằng cách ngã ở đâu thì đứng lên ở đấy, biết tự điều chỉnh hành vi cư xử cho đúng chuẩn mực xã hội và chuẩn mục nghệ thuật. Điều quan trọng nhất hiện nay là cơ quan quản lý nhà nước và các nghệ sĩ phải luôn đứng về phía khán giả và lắng nghe sự phản hồi, nhất là sự phản biện xã hội, để lấy lại “fan” đã mất, để đối thoại tử tế, sòng phẳng với người xem, nếu không chúng ta sẽ có nguy cơ mất trắng khán giả, yếu tố làm nên sự sống còn của nền nghệ thuật biểu diễn. Bởi, nếu sân khấu Việt hiện đại không biểu diễn cho khán giả Việt hiện đại thì biểu diễn cho ai? Đừng bao giờ quên: Còn khán giả là còn sân khấu và còn sân khấu bởi còn khán giả”.
PGS, TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI/Báo Văn Hóa