Hai thư viện tóc giả dành cho bệnh nhân ung thư vú dự kiến đặt tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), được xây dựng dựa trên tiền gây quỹ của chiến dịch “Sớm Bảo Vệ, Tự Tin Sống”.
Chiến dịch truyền thông xã hội “Sớm Bảo Vệ, Tự Tin Sống”, kéo dài từ ngày 21/07 đến ngày 20/08/2020, do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV), phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam (FWD) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thực hiện.
100 bộ tóc giả cho bệnh nhân ung thư vú
Với chiến dịch này, BCNV mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cho giới trẻ về tình hình trẻ hóa ung thư tại Việt Nam; khuyến khích các bạn trẻ xây dựng lối sống lành mạnh, chú trọng sức khỏe, sớm phòng ngừa ung thư; đồng thời gây quỹ xây dựng thêm thư viện tóc giả cho bệnh nhân ung thư tại các bệnh viện.
Tiền gây quỹ của chiến dịch sẽ được dùng để xây thêm 2 thư viện tóc mới, dự kiến đặt tại bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) và bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), gồm 50 bộ tóc giả/thư viện với nhiều kiểu tóc dành cho bệnh nhân nam, nữ và bệnh nhi.
Chiến dịch “Sớm Bảo Vệ, Tự Tin Sống” lấy hình ảnh đại diện là chiếc ô – một đồ vật quen thuộc vẫn luôn đồng hành, bảo vệ con người khỏi nắng mưa. Với mỗi người, chiếc ô tượng trưng cho ý thức bảo vệ bản thân và người thân yêu trước bệnh tật; cho tinh thần chung tay, góp sức chở che những “chiến binh K” đang từng ngày chiến đấu với ung thư.
3 câu chuyện, 1 tinh thần
Cùng BCNV lan tỏa tinh thần “sớm bảo vệ, tự tin sống” đến giới trẻ là các đại sứ chiến dịch Lê Hồ Ngọc Diễm (25 tuổi), Trần Bảo Ngọc (28 tuổi) và Triệu Thị Thanh Trúc (29 tuổi) – những cô gái phải đương đầu với ung thư ở tuổi đôi mươi, lứa tuổi tươi đẹp và nhiều hoài bão của đời người.
Ngọc Diễm: Cô gái có 2 sinh nhật
22 tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, Ngọc Diễm cầm trên tay chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 1. Không muốn gia đình lo lắng, cô giấu cha mẹ vào viện phẫu thuật và điều trị ung thư, một mình tìm cách chi trả hơn trăm triệu đồng viện phí. Dù vậy, với Diễm, ngày biết mình bị ung thư chính là “ngày sinh nhật” đáng chúc mừng, vì cô may mắn phát hiện bệnh rất sớm:“Trước đây mình sống như một con rô-bốt, không tôn trọng sức khỏe, không quan tâm đến ai. Giờ đây, mình rất vui vẻ, hạnh phúc vì được sống”. Hiểu rõ vai trò của cộng đồng trong việc xoa dịu nỗi đau ung thư, Ngọc Diễm đang xây dựng một dự án để trở thành nơi khích lệ tinh thần các bệnh nhân và gia đình họ.
Bảo Ngọc: Giết chết chúng ta không phải là ung thư
25 tuổi, Bảo Ngọc chính thức biết mình bị ung thư hạch giai đoạn cuối, dù đã phát hiện sưng hạch từ 2 năm trước. Ngọc xem ung thư là cột mốc đáng quý, mở ra một cuộc sống hạnh phúc hơn, sinh hoạt điều độ và lành mạnh. Cô nhận ra cũng như mình trước đây, nhiều bạn trẻ đang rất cẩu thả với sức khỏe – ăn uống qua loa, quay cuồng trong công việc, bỏ bê đời sống tinh thần: “Căn bệnh giết chết chúng ta không phải là ung thư, mà là cách ta đối xử với cơ thể mình”.
Thanh Trúc: Chỗ dựa cho gia đình
28 tuổi, cô thạc sĩ ngành Dược tại Anh – Thanh Trúc – phát hiện mình bị ung thư vú giai đoạn 2B. Khó lòng nhận ra cô gái năng động, thích cười đùa này là bệnh nhân ung thư, bởi Trúc đã sớm chuẩn bị tinh thần vững vàng để đón nhận kết quả. Cô còn trở thành điểm tựa cho người thân trong thời gian mình điều trị, bằng sự lạc quan và việc tích cực chia sẻ các kiến thức về ung thư.
Câu chuyện đối diện ung thư ở độ tuổi 20 với nụ cười và niềm tin vào tương lai của Ngọc Diễm, Bảo Ngọc và Thanh Trúc đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ. Hơn ai hết, họ hiểu rằng cuộc đời có những rủi ro khó lường trước được, nhưng ý thức sống lành mạnh, phòng ngừa ung thư từ khi còn trẻ sẽ giúp ta sống lạc quan, tự tin đương đầu với mọi khó khăn.
Đồng hành cùng thư viện tóc
Để đồng hành cùng chiến dịch và dự án Thư viện tóc, cộng đồng có thể đăng lên Facebook ảnh chụp hoặc tranh vẽ chiếc ô – biểu tượng của chiến dịch, viết thêm lời nhắn, lời chúc đến các bệnh nhân ung thư kèm 4 hashtag: #SớmBảoVệ #TựTinSống #VCBFWD #BCNV và để chế độ công khai, là bạn đã đóng góp 9.900 đồng.