Thứ Sáu, 26 Tháng Tư, 2024

Tuần lễ sách hay lần thứ 14

Tin mới

21. Đợi trăng trước ngày xuất gia (Vũ Văn Song Toàn)

Từ trước đến nay, số lượng tác phẩm văn học về đề tài lịch sử trên văn đàn không hiếm, nhưng những tên tuổi được ghi nhận, được đánh giá cao thì lại không nhiều. Vũ Văn Song Toàn nằm trong nhóm tác giả trẻ kể truyện lịch sử được đánh giá là vô cùng dũng cảm.

Lịch sử là những câu chuyện của ngày hôm qua, nghĩa là những chuyện đã cũ. Chuyện đã cũ lại còn mịt mờ vì bụi thời gian và mờ vì nó từng bị chính những tác nhân lịch sử cố ý xóa mờ. Làm thế nào để sáng tỏ lại những câu chuyện ấy, làm mới lại những câu chuyện ấy? Làm thế nào để tìm ra giá trị đích thực của những “khoảng trống”, những “hố đen” lịch sử ấy? Thiết nghĩ, ngoài lòng dũng cảm, tài năng, sự bén nhạy, tác giả cần phải có một kiến thức lịch sử đủ sâu, đủ rộng và một tấm lòng vị tha.

Tác phẩm là tập hợp những truyện ngắn viết về đề tài lịch sử, những nhân vật lịch sử dưới góc nhìn độc đáo, thú vị của tác giả trẻ Vũ Văn Song Toàn.

22. Dòng sông cuộn chảy (Trần Thế Tuyển)

Nhân dịp kỷ niệm 45 năm ngày Sài Gòn giải phóng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; Đại tá, nhà văn Trần Thế Tuyển gửi đến Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM tác phẩm thứ 15 của ông – tập truyện ngắn Dòng sông cuộn chảy. Đây là tuyển chọn 19 truyện ngắn của nhà văn viết từ vài chục năm trở lại đây.

Các truyện ngắn của Trần Thế Tuyển đậm đặc hình bóng người lính bộ đội cụ Hồ với lòng yêu nước, sự can trường, tình yêu đồng đội, nhân dân; tính nhân hậu và tính nhân văn sâu sắc.

23. Những miền xa trên hành tinh xinh đẹp (Huỳnh Thu Dung)

Hành tinh xinh đẹp của chúng ta có vô vàn cảnh quan ngoạn mục và kỳ thú. Những chuyến ngoạn du đây đó khắp năm châu, không những đưa bước chân chúng ta đến với những đô thành tráng lệ vui nhộn và đầy âm thanh màu sắc cuộc sống. Bước chân yêu thích phiêu lưu sẽ còn dẫn lối chúng ta đến với những nơi xa rời đô thị nhộn nhịp, nơi có thể hòa mình với thiên nhiên, cảm nhận sự rộng lớn bất tận và kỳ vĩ của thiên nhiên.

Trong tập sách nhỏ này, bạn đọc sẽ được ngao du cùng với tác giả đến những địa danh nổi tiếng trên trái đất, những điểm đến trong mơ của rất nhiều người yêu du lịch và khám phá. Nơi đó có thể là một vùng biển xa thẳm, một khu bảo tồn thiên nhiên quý báu, một vùng đất của hoa thơm, những hồ nước xanh kỳ thú… Và cũng có thể là chuyến du hành lên những rặng núi, xuống những cánh đồng và thung lũng, đi qua những sa mạc nguyên sơ, lên thuyền đi đến những hải đảo ẩn mình xa thẳm… Tất cả, hứa hẹn sẽ mang đến cho quý độc giả những trải nghiệm phấn khích, những mong ước được một lần đặt chân đến những thiên đường nhỏ xinh đẹp đâu đó trên khắp hành tinh của chúng ta.

24. Văn học Sài Gòn 54-75 – những chuyện bên lề (Lê Văn Nghĩa)

Hiện nay,  trên văn đàn muốn tìm hiểu về thời kỳ văn chương của Sài Gòn từ 1954-1975 chủ yếu có một vài quyển phác họa toàn cảnh văn học Sài Gòn, một vài quyển viết về chân dung của tác giả này, tác giả kia ở nước ngoài… Trong nước chỉ có những quyển sách nhận định một thời kỳ văn học của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn, Lữ Phương là chính… ít nhiều cũng đóng góp để cho hiện ra mờ mờ một dòng văn học Sài Gòn ngày xưa.

Quyển sách này không hy vọng có danh dự tham gia vào dòng sách nghiên cứu văn học một cách chính thống đó. Đây chỉ là sự lượm lặt tình cờ của tác giả sau nhiều năm “tầm chương, trích cú” đủ thứ chuyện gần như theo kiểu “nghe hơi nồi chỏ”, có tính chất gần với giai thoại. Chỉ là những câu chuyện chung quanh cuộc sống, những sự kiện văn học… được ghi lại trong hồi ký của các nhà văn, của những tờ báo ngày trước.

25. Điệu buồn phương Nam (Kim Chi)

Về thể loại, các bài viết có tính chất pha tạp giữa tùy bút, bút ký và truyện ngắn, với độ dài ngắn rất khác nhau. Nội dung chủ yếu kể lại những câu chuyện đời thường thuộc nhiều loại hình sinh hoạt khác nhau của người dân tỉnh lẻ trong bối cảnh lịch sử chuyển đổi sau 30 tháng 4 năm 1975. Có những bài rất gần với chuyện tiếu lâm nông thôn, đọc lên không thể không tức cười (như “Tưởng bở”…), nhưng cũng có vài câu chuyện phản ảnh hiện thực xã hội gây cho người đọc thật nhiều suy nghĩ bức xúc về hoàn cảnh sống khó khăn nghiệt ngã của một số người dân trong giai đoạn chuyển hình kỳ lịch sử (như “Bông sứ cùi”…). Điều này cho thấy tác giả có phần thiết tha tâm huyết trước thực tế cuộc đời, mà nhịp đập trái tim luôn hướng về những người cùng khổ, chứ không phải chỉ là một kẻ đứng ngoài nhận xét với thái độ hồn nhiên hoàn toàn.

Cách kể chuyện của Kim Chi rất tự nhiên mà duyên dáng, nhiều chỗ không kém phần lém lỉnh, nhưng mấy ưu điểm vừa kể này vẫn không đi ngược lại với sự sâu sắc cần có của thể loại tản văn, cho thấy tác giả có óc quan sát nhận định rất tinh tế các sự kiện diễn biến cũng như về tâm lý, tính cách nhân vật, hiểu biết rất rõ như đi guốc trong bụng tâm lý, phong tục tập quán, lối sống của người dân địa phương thuộc nhiều thành phần, nghề nghiệp và tuổi tác khác nhau. Tập tản văn nhỏ này vì thế chắc chắn sẽ mang lại cho người đọc một số điều thú vị, ngoài việc đọc giải trí ra, nó có thể cung cấp cho chúng ta không chỉ bức tranh toàn cảnh của một vùng thuộc miền Tây Nam Bộ, mà một số từ ngữ, tiếng lóng địa phương được tác giả sử dụng rất nhuần nhuyễn còn có tác dụng bổ sung nguồn văn liệu cho những nhà biên soạn từ điển.

26. Những mùa rẫy (H’Xíu)

Tập truyện ngắn Những mùa rẫy là tập hợp những câu chuyện mang đậm màu sắc và đặc trưng về vùng đất, con người Tây Nguyên. Trong đó, mỗi câu chuyện sẽ dẫn người đọc đi theo những mạch cảm xúc khác nhau. Đó là nỗi buồn của người con gái khi nhớ đến người cha đã mất, hiện lên qua nỗi nhớ của người mẹ gắn với những cảnh vật thân quen trong ngôi nhà, trên nương rẫy (Những mùa rẫy). Đó là sự chờ đợi trong vô vọng, ám ảnh hay đầy tiếc nuối về một thân phận, một cuộc đời (Người đợi bên hiên nhà dài, Dã quỳ vẫn đợi, Khi một con chim bay về với đàn). Hay đó là niềm vui của cô gái mới lớn khi tự tay dệt được bộ thổ cẩm dành tặng cho người bà của mình, đó như là lời khẳng địnhvề sự tiếp nối, trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ tương lai (Bộ đồ mới của aduôn Đing). Mạch cảm xúc cũng hiện lên trong những câu chuyện đẹp về tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa (Tin tưởng nơi anh) hay khát khao được đến trường của những đứa trẻ, và trên hết đó là khát khao được vươn lên, bước ra từ buôn làng để hòa nhập cùng thế giới (Con
đã về, Nắng cũng đang vui, Vượt cạn)…

27. Mắc kẹt (Phương Thu Thủy)

Mới đây, Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho ra mắt cuốn sách “Mắc kẹt” của tác giả Phương Thu Thủy. Cô gái trẻ 8X này lẽ ra đã có một chuyến du lịch tới xứ sở cờ hoa một cách trọn vẹn, thì lại có một hành trình đáng nhớ theo cái cách mà có nằm mơ cô cũng không thể hình dung ra.

Đã chín tháng bị “mắc kẹt” tại Mỹ, đến nay Phương Thu Thủy vẫn chưa thể về Việt Nam. Cuốn sách mới nhất của tác giả Phương Thu Thủy viết về những trải nghiệm của chính mình trên nước Mỹ trong khoảng thời gian khó khăn khi mà cả thế giới đương đầu với mối nguy hiểm vô hình, dịch Covid-19. Những góc nhìn của tác giả sẽ dẫn lối cho người đọc khám phá một cách sâu sắc bên trong một quốc gia, nơi vẫn còn đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu.

28. Bộ móng tay màu đỏ (Phát Dương)

Thế giới nhân vật của Bộ móng tay màu đỏ dường như không có ai đang sống cả. Họ đang đơ và lặn ngụp. Ngay cả khi hể hả, khi lợi lộc về rồi đều là đang lặn hụp.

Những nhân vật của Phát Dương trăm bề bi đát và kiểu gì họ cũng sống được để mơ ước một ngày mai nào đó. Người lèo lái những con thuyền đời của Bộ móng tay màu đỏ không phải là những người đàn ông. Nhưng hình bóng người đàn ông quá lớn, quá nặng nề và quyền lực. Những người phụ nữ với sự nhẫn nhịn dường như đủ để xoay chuyển cả càn khôn nhưng rốt cuộc họ chỉ là một chiếc bóng mang sứ mệnh oằn oại. Những chiếc bóng đóng vai hiền và vai ác. Những chiếc bóng sống loin hoi trong khi người tạo ra bóng lại lặng lờ tưởng như không còn sống nữa. Phát Dương đồng cảm hay đang quất một nhát roi căm phẫn vào khoảng không câm nín của một xã hội đang cùng mòn lẩn quẩn.

29. Hà Nội trong mắt một người Sài Gòn (KTS. Nguyễn Hữu Thái)

“Hà Nội không có tư tưởng riêng, không có cái chất riêng gìn giữ được từ đời này qua đời khác. Đơn giản, Hà Nội chịu trách nhiệm phản ánh hết những bước đi của lịch sử, và nó thay đổi, đều theo vận động của xã hội. Trong Hà Nội tích tụ tất cả. Buồn, vui, tốt, xấu. Đó mới đúng nghĩa là Hà Nội.”

“Không có Hà Nội đẹp, Hà Nội xấu. Chỉ có Hà Nội như một tấm gương.” (Nhà sử học Nguyễn Hải Kế)

Thật khó định danh thể loại của cuốn sách này, nhưng như tên gọi của sách, có thể coi đây là tập hợp những mảnh ghép trong nhận thức của tác giả về Hà Nội với hai chất liệu chủ yếu là con người và kiến trúc.

Xem nhiều

Singapore chính thức mở cửa, đón du khách Việt Nam

Kể từ 1/4, Singapore mở cửa trở lại, không yêu cầu cách ly đối với du khách từ khắp nơi với chiến dịch SingapoReimagine. Tổng...

Bài viết cùng chủ đề